Ngày 18/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức hội thảo "Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy Việt Nam".
Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngành giấy là một trong những ngành có tiềm năng lớn trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Giấy là một sản phẩm có thể tái chế nhiều lần và việc xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp cũng như giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu thô. Các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại nhiều kết quả tích cực. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/18/san-xuat-xanh-20241018164826401.jpg)
Ảnh minh họa
Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền khẳng định, kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy là tất yếu bởi nó là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi xanh, đạt được nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phục hồi, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ phù hợp với xu hướng chính sách trên toàn thế giới mà còn được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính xanh, sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số Việt Nam.
Thông tin về hiện trạng kinh tế tuần hoàn ngành giấy tại các nước trên thế giới và Việt Nam, ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy có nhiều cơ hội, tiềm năng để thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua tái chế để giảm khai thác tài nguyên, tác động lên môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và năng lượng; phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời)...
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ về chu trình tuần hoàn phát triển xanh, bền vững cũng như những kinh nghiệm thực tiễn, tối ưu hóa việc tuần hoàn, sử dụng chất thải rắn và xử lý khí thải trong ngành giấy cho phát điện lò hơi, kiểm kê khí nhà kính tích hợp đầu tư cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (ESG) và kinh tế tuần hoàn. Đưa ra giải pháp sấy bùn, tái chế nước thải trong sản xuất giấy theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là những định hướng rõ ràng về xây dựng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đề xuất cần xây dựng khung pháp lý chắc chắn giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền hạn, nghĩa vụ trong phát triển kinh tế. Có hướng dẫn cụ thể về thuế VAT và tiêu chí tín dụng xanh để thúc đẩy thu gom, tái chế nguyên liệu. Đưa ra giải pháp hiệu quả về quản lý hóa đơn điện tử để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; giảm tỷ lệ ký quỹ và cho phép tăng khối lượng nhập khẩu nguyên liệu tái chế, khuyến khích doanh nghiệp thu gom, phân loại giấy tái chế như nguyên liệu thứ cấp... để ngành giấy tận dụng được tốt hơn cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Việt Nga (T/H)