Quy hoạch, xây dựng

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030

Thứ ba, 26/12/2023 | 14:52 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Sơn La sẽ phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo: thủy điện, năng lượng gió và mặt trời

Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch. Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về đột phá phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến.

Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác (ẩm thực, thể thao, trang phục, festival..). Tập trung phát triển hạ tầng khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng bao gồm:

Chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực gắn với công nghiệp chế biến: sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, chè, mía đường, mắc ca); sản phẩm rau, củ, quả gắn với công nghiệp chế biến; sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản phẩm dược liệu, dược phẩm.

Chuỗi giá trị năng lượng tái tạo: thủy điện, năng lượng gió và mặt trời.

Chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng: nhóm khoáng sản kim loại; nhóm khoáng chất công nghiệp; nhóm khoáng sản nhiên liệu…

Hải Long