Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Thứ sáu, 9/5/2025 | 10:57 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Quyết định 1266/QĐ-BNNMT ngày 6/5/2025 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của kế hoạch là triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch đã đề ra. Cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện Quy hoạch.

Phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là việc giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện Quy hoạch. Nghiên cứu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

Một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch là ưu tiên thực hiện 48 nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Các nhiệm vụ điều tra được chia thành 8 nhóm.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định sẽ lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền tại các khu vực có triển vọng khoáng sản và khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Nguyên kết hợp với điều tra sụt lún và sạt lở bờ sông, biển.

Nhóm nhiệm vụ tiếp theo là bay đo địa vật lý, gồm các nhiệm vụ đang thi công và bay đo tại khu vực có triển vọng phát hiện cấu trúc có triển vọng khoáng sản ở Tây Nghệ An.

Kế tiếp là nhiệm vụ điều tra địa chất đô thị. Trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2030 là điều tra bổ sung, cập nhật số liệu các báo cáo điều tra địa chất đô thị toàn quốc đã hoàn thành trước năm 2004. Mục tiêu là cung cấp thông tin cho quy hoạch, mở rộng các đô thị, trung tâm kinh tế xã hội vùng, địa phương.

Đối với các thành phố lớn, các nhà khoa học sẽ tiến hành điều tra địa chất đô thị kết hợp điều tra địa chất không gian ngầm (địa chất 3D, 4D) nhằm đưa ra các mô hình không gian ngầm phục vụ quy hoạch, thiết kế công trình ngầm đô thị (như giao thông, cấp thoát nước, nhà cao tầng).

Tiếp theo là điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, trọng tâm là các nhiệm vụ đang thi công và các nhiệm vụ có tính cấp thiết phục vụ dự báo, cảnh báo cho các địa phương đang trình phê duyệt, khoanh vùng cảnh báo trượt lở đất đá, lũ quét các khu vực miền núi có nguy cơ cao; điều tra tai biến, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, môi trường khoáng sản độc hại; điều tra, nghiên cứu, phân định các cấu trúc địa chất sâu có khả năng lưu giữ an toàn chất thải phóng xạ, CO2 và các chất thải độc hại khác; điều tra di sản địa chất, gồm 1 nhiệm vụ, hoàn thành giai đoạn 2021 - 2030.

Nhiệm vụ tiếp theo trong kế hoạch điều tra cơ bản là đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản chiến lược, quan trọng, khoáng sản đang có nhu cầu cấp thiết gồm khoáng sản nhiên liệu (như than, urani); đất hiếm và kim loại hiếm, đá vôi ximăng, cát sông, cát biển, vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng sẽ điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển, gồm các nhiệm vụ đang thi công, các nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ đánh giá khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm.

Cuối cùng là các nhiệm vụ đầu tư gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản; thống kê, kiểm kê tài nguyên, trữ lượng khoáng sản rắn; tăng cường năng lực thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản; kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa chất tinh gọn, có năng lực chuyên môn cao.

Tiến Đạt