Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi

Thứ bảy, 30/11/2024 | 15:46 GMT+7
Ngày 30/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội chính thức thông qua Luật Điện lực sửa đổi với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%).

Luật Điện lực sửa đổi gồm 9 chương, 81 điều quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Việc sửa đổi Luật Điện lực được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như: thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...

Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ điều 20 đến điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.

Đối với phát triển điện gió ngoài khơi, liên quan đến quy định chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa và phân loại thống nhất về điện gió ngoài khơi. Dự thảo Luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm 2 đối tượng: dự án điện gió gần bờ; dự án điện gió ngoài khơi và thể hiện như khoản 5 điều 20.

Ngoài ra, thống nhất với ý kiến Chính phủ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ các nội dung quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi (trong dự thảo Luật Chính phủ trình); đồng thời, bổ sung khoản 8 điều 26 và thể hiện như sau: “8. Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”; làm rõ thẩm quyền lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi trước khi lựa chọn nhà đầu tư và thể hiện tại khoản 2 điều 27. Việc giao doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi không thay thế thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió ngoài khơi tại khoản 3 điều 26.

Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh: Quy định như trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi, bảo đảm phù hợp với công tác quản lý, thực hiện pháp luật về quy hoạch, pháp luật về biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và đặc thù của lĩnh vực điện gió trên biển.

Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, để bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống, Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.

PV