Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia là bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia là phục vụ Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia soạn thảo các văn bản thuộc thẩm quyền theo phân công.

Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 10/7 vừa qua. (Ảnh: quochoi.vn)
Đồng thời, tổ chức phục vụ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, định kỳ báo cáo, dự thảo thông báo kết luận và hoàn thiện các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia đôn đốc, theo dõi và hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn trong triển khai thực hiện công tác bầu cử. Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Thực hiện công tác hành chính, văn thư và tham mưu, đề xuất điều phối xử lý, giải quyết các nhiệm vụ phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Bảo mật thông tin, dữ liệu phục vụ công tác bầu cử. Chủ động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị, điều hành xuyên suốt quá trình phục vụ công tác bầu cử, nhất là trong công tác tổng hợp, thống kê, phân tích.
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia là đầu mối tham mưu phân công, điều phối, tổ chức, phục vụ các đoàn công tác, đoàn kiểm tra của Hội đồng bầu cử quốc gia tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các tổ giúp việc gồm thành viên là công chức của các cơ quan, tổ chức hữu quan được trưng tập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng.
Chánh Văn phòng có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công việc của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức, hoạt động của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 Phó Chánh Văn phòng, trong đó có 1 Phó Chánh Văn phòng thường trực là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội; các Phó Chánh Văn phòng khác là đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Quốc hội. Các Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo phân công của Chánh Văn phòng.
Về quan hệ công tác của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử. Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia giữ mối liên hệ với Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, thành phố.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc hoạt động khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ.