Kinh tế xanh

Tạo động lực tăng trưởng bền vững cho lĩnh vực công nghiệp

Thứ hai, 20/9/2021 | 15:52 GMT+7
Tăng cường năng lực tự cường, tiến tới tự chủ cao đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống là một trong nhân tố quan trọng đưa công nghiệp Việt Nam vượt qua những tồn tại, nguy cơ, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

Về tổng thể, trong 10 năm qua, mô hình tăng trưởng với phương châm từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đã góp phần tạo sự chuyển mình, tích lũy nội lực đáng kể của ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam. Tuy vậy, động lực tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô đầu tư FDI trên cơ sở lợi thế về nhân công giá rẻ, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn có thể không còn phù hợp để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đề ra. 

Theo đó, trong 10 năm tiếp theo, ngành công thương cần thiết phải xác lập chiến lược phát triển mới, vừa tiếp tục tận dụng quán tính của động lực tăng trưởng cũ, bên cạnh việc nhanh chóng kiến tạo động lực tăng trưởng mới trên quan điểm tích lũy tiềm lực, tạo đà cho tự lập, tự cường và phát triển bền vững của ngành sản xuất công nghiệp giai đoạn sau.

Phát triển bền vững, tự lập ngành sản xuất công nghiệp

Quan điểm phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn tới phải được hiểu là tăng cường năng lực tự cường, tiến tới gia tăng tự chủ thông qua việc chiếm lĩnh các công đoạn, phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống.

Qua đó, cần kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững của lĩnh vực công nghiệp Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững, như động lực về đổi mới sáng tạo; động lực về chất lượng nguồn nhân lực.

Từ các động lực này, cần đề ra các phương hướng phát triển bền vững phù hợp gồm:

Hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp phát triển: giải quyết các điểm nghẽn về công nghiệp phụ trợ; tự chủ về vật liệu, linh kiện và chi tiết thiết yếu; sử dụng kỹ thuật, công nghệ nước ngoài thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển, chia sẻ công nghệ, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu giải quyết các điểm nghẽn nêu trên; đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa, đo lường, chứng nhận, kiểm định, giám sát năng lực của các lĩnh vực công nghiệp cơ bản.

Hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp phát triển

Tạo bệ đỡ cho phát triển công nghiệp chế tạo: hướng đổi mới sáng tạo vào việc chế tạo các sản phẩm có tính năng và chất lượng ưu việt trên cơ sở thiết lập năng lực mới về tích hợp thiết kế và tích hợp hệ thống; khởi động và đẩy nhanh thông minh hóa công nghiệp chế tạo nhằm tạo động lực phát triển thị trường công nghệ và thiết bị thông minh phục vụ chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp thông minh; tạo dựng nền tảng phát triển công nghiệp như tiêu chuẩn hóa sản xuất chế tạo thông minh, chiến lược sản xuất linh kiện điện tử, phát triển các phần mềm lõi phục vụ sản xuất công nghiệp. Tạo lập nền tảng công nghiệp chế tạo thông minh, xanh với các sản phẩm có vòng đời sử dụng xanh, thân thiện môi trường; lập các cực phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy việc nâng cấp, chuyển đổi công nghiệp chế tạo theo hướng thông minh, xanh và giá trị gia tăng cao.

Chuyển đổi và nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp nặng: thay thế, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả thông qua chương trình hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất theo hướng xanh, hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng và sử dụng nguyên vật liệu; khuyến khích việc sắp xếp các doanh nghiệp theo vùng địa lý nhằm tối ưu hóa chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, tiến tới triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị ngành.

Thương hiệu và chất lượng: tạo dựng thương hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, tiến tới thương hiệu hóa công nghiệp Việt Nam qua chất lượng sản phẩm công nghiệp Việt.

Tiết kiệm và hiệu quả: hoàn thiện thể chế nhằm hướng công nghiệp phát triển theo hướng tối ưu hóa nguồn lực, như tiêu chuẩn hóa về định mức sử dụng nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, chất lượng và an toàn sản phẩm, trước hết đối với các ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn tài nguyên, năng lượng và gây bất lợi cho môi trường.

Khánh An (T/H)