Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Thứ sáu, 7/6/2024 | 09:35 GMT+7
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định 2230/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220kV Thanh Hóa – Sầm Sơn.

Theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà đầu tư thực hiện dự án là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có trụ sở tại số 18 Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Mục tiêu dự án là tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tăng cường độ ổn định cung cấp điện, giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn được thiết kế kiểu nửa trong nhà, nửa ngoài trời, với một số hạng mục chính như sau: 1 nhà điều khiển trung tâm; 1 nhà trực bảo vệ; 1 nhà nghỉ ca vận hành; 1 nhà trạm bơm; thiết bị phân phối 220kV, 110kV, 22kV, máy biến áp đặt ngoài trời, các thiết bị điều khiển bảo vệ và tủ AC/DC được đặt trong nhà điều khiển trung tâm; hệ thống đường giao thông nội bộ và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Phần đường dây 220kV đấu nối được thiết kế dạng tuyến, gồm các cột thép dạng tháp dài 40,1 km. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.319 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Dự kiến khu vực xây dựng trạm biến áp 220kV Sầm Sơn

Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn được xây dựng tại xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn và xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương. Đường dây đấu nối 220kV đi qua địa phận thành phố Sầm Sơn và các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu tính toán tại hồ sơ dự án và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án; hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phối hợp với Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cụ thể để điều chỉnh hướng tuyến (nếu cần thiết), chuẩn xác vị trí xây dựng và chiều cao cột điện, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa, công trình thủy lợi (nếu có); thực hiện các thủ tục thỏa thuận giao chéo trên không hoặc chấp thuận xây dựng cột đường dây trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (nếu có) theo quy định.

Phối hợp với UBND thành phố Sầm Sơn; UBND các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan để cập nhật dự án vào các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ thuê đất và tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định cho thuê đất, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định…

UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND thành phố Sầm Sơn và UBND các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cập nhật dự án trên vào các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Chỉ đạo UBND các phường, xã khu vực thực hiện dự án quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định.

Hải Long