Ngày 7/5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp”.
Thông tin tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương cho biết, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12% theo kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trọng điểm, cấp bách đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng
Theo lãnh đạo Cục Điện lực, trên cơ sở kịch bản điều hành như vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện triển khai các giải pháp đáp ứng cung ứng điện. Để đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ tập trung vào 6 nhóm giải pháp.
Nhóm thứ nhất là các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất đáp ứng nhu cầu điện.
Nhóm giải pháp thứ hai, về mặt cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.
Nhóm giải pháp thứ ba là thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay, bao gồm một số dự án nguồn điện như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác. Song song với đó, một số dự án lưới điện quan trọng cũng đặt mục tiêu phải thúc đẩy nhanh để đưa vào vận hành, như dự án lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Mục tiêu là giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, EVN đang quyết liệt đưa vào vận hành trong dịp Quốc khánh 2/9 tới đây.
Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ tư là yêu cầu Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia xây dựng và cập nhật kịch bản vận hành hệ thống điện, ứng phó linh hoạt với các tình huống thay đổi phụ tải, thủy văn, thời tiết, từ cao điểm đến thấp điểm, đảm bảo huy động hợp lý các nguồn điện khác nhau
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dân sinh, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Bộ đã ban hành các quy định, chế tài, yêu cầu cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng điện.
Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Ông Đoàn Ngọc Dương chia sẻ: Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo với các điều kiện, kịch bản sẽ diễn ra như đã dự báo cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, có thể vẫn xảy ra những trường hợp cực đoan, ví dụ như tăng trưởng phụ tải đột biến hoặc là thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện lưu lượng có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm hoặc thời gian nắng nóng có thể kéo dài, trùng hợp với một số tổ máy điện có thể bị sự cố do quá trình vận hành đầy tải liên tục. Trong những trường hợp đó, quan trọng là chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng những kế hoạch ứng phó để đảm bảo sẵn sàng có những đơn vị liên quan có thể xử lý, giải quyết nhanh, đảm bảo an ninh an toàn cung ứng điện.