Kinh tế xanh

Tích cực chuyển đổi số ngành ngân hàng

Thứ năm, 10/2/2022 | 08:52 GMT+7
Chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cả nước mở lại các hoạt động kinh tế xã hội được coi là mục tiêu quan trọng đối với các ngân hàng.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh. Đến nay, đã có 95% tổ chức tín dụng xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, riêng tại 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính lên đến 15.000 tỷ đồng/năm; chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm 20 - 30% tổng chi phí đầu tư hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: "Công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành cho các ngân hàng. Ðặc biệt, cuộc đua ngân hàng số cũng đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện".

Các ngân hàng tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh

Khẳng định hiệu quả cũng như quy mô của công cuộc chuyển đổi số tại các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến cuối năm 2021 đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 72% các công ty công nghệ tài chính đã liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam. Mức độ và quy mô hợp tác cũng không ngừng được mở rộng nhằm đưa ra các sản phẩm tài chính hiện đại, bắt kịp xu hướng toàn cầu.

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Phùng Duy Khương cho biết, VPBank đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện nhiều năm. Đến nay, 100% sản phẩm và dịch vụ của VPBank đều có thể được cung ứng qua các kênh số hóa để đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%. Tỷ lệ khách hàng mở thẻ mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh. Bên cạnh đó, hơn 80% dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được VPBank giải quyết và cung cấp qua kênh tổng đài và các kênh trực tuyến khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng công nghệ tài chính tiềm năng sẽ góp phần đưa ra các mô hình tiếp cận mới đối với khách hàng trên thị trường tài chính tại Việt Nam, đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện. Đây cũng là một bước tiến mới cho quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.

Mộc Trà (T/H)