Kinh tế xanh

Ngày càng nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 21/12/2021 | 21:48 GMT+7
Chiều 21/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn giai đoạn 2015-2022 và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025.

Mô hình tưới tiết kiệm nước được người dân và Hợp tác xã ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, kế hoạch đã vượt mục tiêu đặt ra, nhưng quan trọng hơn là đã tạo được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ sản xuất, hợp tác xã… Kế hoạch đã đặt nền móng đầu tiên để từ đó tưới tiết kiệm nước có bước đi không chỉ còn là mong muốn, định hướng mà là hành động hiện thực.
Trong tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thì từ lãnh đạo và người dân vẫn còn tư tưởng thừa nước nên chưa có sự đầu tư rốt ráo và bài bản. Trong 5 năm qua, có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, nhưng một số chính sách hỗ trợ, khuyến kích người dân, doanh nghiệp đầu tư còn rất thấp. Nhiều địa phương còn chưa tập trung nguồn lực, sự quan tâm cho vấn đề này.

Việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc từ 10 - 90%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 - 60%. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả canh tác nông nghiệp từ 10 - 30%, nâng cao thu nhập cho nông dân từ 10 - 50%.
Ông Lương Văn Anh cũng cho rằng, mặc dù đạt được vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra, nhưng kế hoạch chưa thu hút được sự vào cuộc mạnh mẽ của khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế; giá thành công nghệ, thiết bị tưới còn cao so với thu nhập của phần lớn người dân, trong khi thị trường tiêu thụ còn nhiều bất ổn, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất ổn định.
Thông qua đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000 – 800.000 ha, tương ứng khoảng 30% diện tích cây trồng cạn. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập cho người dân và góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.
Để đạt mục tiêu trên, ngành tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho các cây trồng cạn chủ lức, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, phục vụ nhân rộng mô hình; ban hành các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, các thiết kế mẫu, mô hình mẫu phục vụ phát triển tưới tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp tạo nguồn lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tính đến năm 2020, diện tích cây trồng có tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 529.000 ha, vượt khoảng 6% so với mục tiêu kế hoạch.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đã có áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Vùng phát triển tưới tiết kiệm nước mạnh như: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Có 12 tỉnh đứng đầu là Tây Ninh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận…
Công nghệ được ứng dụng chính là tưới phun mưa chiếm 82%, tưới nhỏ giọt chiếm 17%, nhà kính, nhà lưới chiếm 1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao với sự kết hợp và ứng dụng đồng bộ giữa công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các công nghệ khác như: giống, sinh học, vật liệu mới, thông tin,... cơ giới hóa, tự động hóa làm một trong những hướng đi chính.

PV