Kinh tế xanh

Đảm bảo nguồn cung gia súc, gia cầm dịp lễ, tết

Thứ ba, 25/1/2022 | 11:40 GMT+7
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm chăn nuôi hiện đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt tăng thêm từ 10 - 12% ở tháng trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2021, ngành chăn nuôi chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng sản phẩm chính của ngành như thịt, trứng, sữa vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng đàn lợn cả nước ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%). Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỉ quả (tăng 5,1%).

Do đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, sản phẩm chăn nuôi đáp ứng cơ bản nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt tăng thêm từ 10 - 12% ở tháng trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đảm bảo nguồn cung gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Ngoài ra, đánh giá về thị trường sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán, ông Tống Xuân Chinh cho biết, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ngày càng tốt hơn, nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi sẽ đáp ứng được thị trường tiêu dùng trong thời gian tới. Sự thiếu hụt được dự báo chỉ có thể xảy ra cục bộ trong phạm vi rất hẹp ở những nơi dịch bệnh chưa kiểm soát tốt do khó khăn trong lưu thông, phân phối.

Về giá cả, hiện giá thịt lợn, giá thịt gà, trứng được đánh giá cơ bản ổn định, tăng giá không đáng kể ở những địa phương còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung các tỉnh/thành khác.

Cụ thể, giá lợn hơi đối với lợn ngoại trong khoảng 47.000 đồng - 53.000 đồng/kg, thịt gia cầm lông màu từ 36.000 đến 37.000 đồng/kg, thịt bò hơi từ 85.000 đến 110.000 đồng/kg, giá trứng gà từ 1.500 đến 2.000 đồng/quả...

Mặt khác, để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp lễ tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh khuyên các hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo chuỗi gắn với liên kết sản xuất để phát triển bền vững, đặc biệt đối với chăn nuôi lợn trong lúc có dịch tả lợn châu Phi khi chưa có vaccine thương mại.

Những hộ chăn nuôi lợn chưa bảo đảm được an toàn sinh học cần nhanh chóng chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, chăn nuôi gia cầm lông màu.

Ngành chăn nuôi cũng đã có 5 đề án để tăng cường công tác chăn nuôi trong giai đoạn tới bao gồm đề án về công nghiệp hóa giống vật nuôi, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp hóa giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, công nghiệp hóa chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi và đổi mới khoa học, công nghệ trong ngành chăn nuôi. Trong đó, đề án công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để đổi mới ngành này, trong đó có giải pháp giảm một phần nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Linh Giang