Chỉ thị nêu rõ, để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho nhân dân đón xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã cần quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 2/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 116-KH/TU ngày 17/11/2022 của Thành ủy Hà Nội về tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của thành phố.
Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn không gian mạng trên địa bàn Thủ đô; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc để nhân dân Thủ đô đón Tết Quý Mão năm 2023 an toàn, tiết kiệm; khẩn trương trở lại làm việc bình thường ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của thành phố thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã và đảng ủy trực thuộc; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp bằng mọi hình thức; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái với quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phải thật sự nêu gương trong việc vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt việc bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường; vận động, tuyên truyền, đấu tranh bài trừ các hoạt động lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh...
Đảm bảo tổ chức cho nhân dân đón xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng đông người trên địa bàn; chủ động, phối hợp với các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố tổ chức các hoạt động phục vụ Tết trên địa bàn; tổ chức và quản lý tốt các hội chợ xuân, chợ hoa Tết trên địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tuyên truyền, vận động nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn; tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết tới các đối tượng chính sách xã hội và thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm và những nơi khó khăn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Theo chỉ thị, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào dịp đầu năm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài trong cộng đồng. Tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường các biện pháp truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong dịp Tết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết. Tăng cường phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, dự trữ đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông - xuân. Tăng cường công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.