Trong nước

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD trong quý I/2025

Thứ sáu, 4/4/2025 | 15:53 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 3/2025 với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng 3/2024. 

Riêng xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong hai tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 19% so với tháng 3/ 2024.

Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6%; nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17%. Cán cân thương mại quý đầu năm tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Cà phê là một trong số nhiều mặt hàng dù giảm về sản lượng nhưng vẫn đạt kim ngạch cao nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh trong quý I/2025

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu tăng cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh.

Quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.

Chỉ dấu tích cực là xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ với 7/9 mặt hàng trong nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.

Nhiều mặt hàng dù giảm về sản lượng nhưng vẫn đạt kim ngạch cao nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh như: cà phê (lượng xuất khẩu ước giảm 15,8% nhưng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 45,8%); hạt tiêu (lượng xuất khẩu ước giảm 16,4% nhưng kim ngạch ước tăng 37,8%); cao su (giảm 7,5% về lượng và tăng 21,5% về kim ngạch); nhân điều (giảm 19,4% về lượng nhưng tăng 4% về kim ngạch).

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 87,5 tỷ USD, ước tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu cả nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác… ước đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế nhà cung ứng hàng hóa lớn tại nhiều thị trường. Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Cụ thể, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%). 

Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành công thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).

Quý I đã đi qua với những dấu ấn tích cực về thương mại nhưng bước sang đầu quý II, tình hình khó khăn hơn khi Tổng thống Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam ở mức 46%. Dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn do đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.

An Vinh (t/h)