Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong các văn bản quy phạm pháp luật, mặt hàng xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược. Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là “bánh mỳ” của nền kinh tế.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay đều quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, những điều kiện nêu ra tại Nghị định này là vừa bảo đảm được cơ chế thị trường vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của nhà nước. Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến của các Bộ, ngành cả bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp và cũng là lần thứ 4 trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi từ Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80 để có được phương án phù hợp nhất so với tình hình hiện nay.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/10/02/xang-dau-20241003095027210.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Cho đến thời điểm này, theo báo cáo cáo của Ban biên soạn, Tổ biên tập vẫn còn một số vướng mắc mặc dù trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đó là thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số của nền kinh tế.
Bộ Công Thương đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản được nêu trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua gồm: xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn cả quốc tế và trong nước; giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đứng ở góc độ là ngành chủ trì, tham mưu, Bộ Công Thương sẽ cố gắng tính toán để việc xây dựng, ban hành Nghị định trước hết phải tuân thủ quy định của pháp luật; thứ hai là phải quán triệt thực hiện nghiêm những quan điểm, đường lối của Đảng và thứ ba là phải từ thực tiễn những bài học xương máu, kể cả thành công và chưa thành công để khái quát lên thành những quy định của pháp luật.
Liên quan đến các ý kiến góp ý tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và thể hiện tốt nhất trong dự thảo lần này đối với những ý kiến xác đáng, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành và phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý, kinh doanh xăng dầu của nước ta trong những năm qua, đồng thời đảm bảo trọn vẹn đối với những ý kiến khác.