Quốc tế

Triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2020 giảm mạnh

Thứ tư, 1/4/2020 | 03:52 GMT+7
Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức âm 0,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019.

Theo báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), ẩn phẩm tháng 4/2020, tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, không tính Trung Quốc, được dự báo sẽ giảm từ 4,7% năm 2019 xuống 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,9% năm 2020. Dự báo tăng trưởng sẽ bật lại vào năm 2021 khi tác động của bệnh dịch tiêu tan.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm sau hơn 30 năm. Hiện còn chưa rõ chính phủ Trung Quốc có thể khởi động lại các hoạt động kinh tế nhanh sau khi bị suy giảm đột ngột hay không. Nhưng theo số liệu ước tính gián tiếp, như chỉ số về ô nhiễm cho thấy, hoạt động kinh tế mới chỉ nhen nhóm dần ở Trung Quốc.

Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi thì các hệ thống tài chính trên toàn khu vực sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các quốc gia có nợ khu vực tư nhân ở mức cao. Tỷ lệ tăng nợ ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng nợ ở các quốc gia khác trên thế giới, chính vì vậy tỷ trọng nợ của Nhóm Đông Á - Thái Bình Dương-5 trên tổng nợ toàn cầu đã tăng từ 3,4% năm 2005 lên 18% năm 2019.

Biến động mạnh trong nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương quý I/2020 (Ảnh minh họa)

Theo dự báo, toàn bộ các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận giảm mạnh về tăng trưởng, chủ yếu do tác động từ lây lan dịch bệnh dẫn đến biến động giá thương phẩm, viện trợ và du lịch.

Một khuyến nghị chính sách được WB đưa ra là nới lỏng tín dụng để giúp các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót qua khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, do khả năng khủng hoảng bị kéo dài nên báo cáo nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải kết hợp giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các quốc gia nghèo hơn, xoá nợ là cần thiết, đặc biệt nguồn lực quan trọng nên được tập trung vào quản lý tác động kinh tế và y tế.

“Ngoài những biện pháp mạnh mẽ trong nước, tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế là liều vaccine hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do virus gây ra. Các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng như các quốc gia khác phải cùng nhau chống lại dịch bệnh, tiếp tục mở cửa thương mại và phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô”, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho biết.

Thanh Bảo