Quốc tế

EU hỗ trợ ngành công nghiệp nặng giải quyết thách thức về khí hậu

Thứ tư, 11/3/2020 | 11:12 GMT+7
Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét các quy tắc viện trợ nhà nước và khởi động dự án sản xuất hydro sạch để thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giúp các doanh nghiệp ở châu Âu duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu khi họ bắt tay vào cắt giảm khí thải quy mô lớn.

Tăng cường sản xuất hydro sạch

Chiến lược công nghiệp của EU được Ủy ban điều hành châu Âu công bố mới đây đưa ra một tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một liên minh trực tuyến để sản xuất hydro sạch, theo mô hình của dự án pin trị giá 8,3 tỷ Euro (9,4 tỷ USD) liên quan đến 7 quốc gia EU và 17 công ty.

Sử dụng hydro làm nguồn nhiên liệu thay thế cho than hoặc khí đốt có thể cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực khó khử carbon như thép, nhưng công nghệ này vẫn rất tốn kém. Các liên minh khác của EU cũng áp dụng phương pháp này với các ngành công nghiệp carbon thấp, dữ liệu đám mây và nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, để giảm lượng khí thải đối với ngành công nghiệp, cần phải có hiệu quả năng lượng cao hơn và chủ yếu tiếp cận nguồn cung cấp năng lượng carbon dồi dào với giá cả cạnh tranh, ông Valdis Dombrovskis, ủy viên kinh tế hàng đầu của EU nói.

Các công ty sẽ cần một lượng điện lớn để hỗ trợ công nghệ như sản xuất hydro

Theo tính toán, các công ty phải đầu tư ít carbon, nếu không sẽ có nguy cơ mắc kẹt khí thải trong nhiều thập kỷ và tạo ra tài sản mắc kẹt (tài sản phải chịu các khoản ghi giảm, mất giá hoặc chuyển đổi thành nợ phải trả không lường trước được).

Khoảng một nửa công suất sản xuất thép của Đức và gần một phần ba các nhà máy xi măng của nước này sẽ đòi hỏi phải tái đầu tư lớn để giảm thiểu phát thải trong thập kỷ tới.

“Thử thách ở đây là không có sự đầu tư rõ ràng cho các công ty ở châu Âu để phát triển công nghệ quy mô thương mại”, ông Oliver Sartor, thành viên tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende cho biết. Tuy nhiên, trong khi các dự án thí điểm có thể trị giá khoảng 20 - 80 triệu euro, mức giá cho các dự án quy mô thương mại bắt đầu ở mức hàng trăm triệu euro.

EC sẽ sửa đổi các quy tắc viện trợ nhà nước về năng lượng và môi trường vào năm 2021 để khuyến khích các quốc gia thành viên phân bổ các quỹ trong nước nhằm nhân rộng các dự án trên.

Hỗ trợ sản phẩm xanh – bước đi đúng hướng

8 quốc gia EU gồm Bulgaria, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Luxembourg, Romania, Tây Ban Nha đã ủng hộ chiến lược công nghiệp giảm phát thải carbon này. Mặc dù, kế hoạch của EC trong việc hỗ trợ các sản phẩm xanh là một bước đi đúng hướng, nhưng phải được hỗ trợ bằng nguồn vốn từ ngân sách dài hạn tiếp theo của EU.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, đã công bố kế hoạch tăng trưởng xanh của châu Âu mang tên “Thỏa thuận Xanh”. Theo đó, đại diện EC cam kết việc huy động 1.000 tỷ euro đầu tư trong thập kỷ tới để giúp các công ty EU cắt giảm khí thải, thúc đẩy việc làm và đạt được lợi thế đầu tiên trong công nghệ mới.

Ngoài ra, “Thỏa thuận Xanh” của EC còn bao gồm nhiều kế hoạch áp đặt các biện pháp nhằm giảm lượng carbon đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, giúp EU duy trì khả năng cạnh tranh trong khi tập trung vào việc cắt giảm khí thải.

EU cũng ra mắt một quỹ đổi mới với khoản trợ cấp trị giá khoảng 8 - 10 tỷ Euro, nhằm giúp các công ty thu hẹp khoảng cách giữa giá carbon của EU với chi phí cắt giảm khí thải thực tế.

Brussels (Bỉ) cũng sẽ công bố kế hoạch kinh tế tuần hoàn của EU vào ngày 11/3 để hướng dẫn các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm bền vững lâu dài có thể sửa chữa và tái chế.
 

Theo TN&MT