Quốc tế

Biến đổi khí hậu làm tăng gấp đôi nguy cơ cháy rừng ở Australia

Thứ hai, 9/3/2020 | 11:10 GMT+7
Theo phân tích của nhóm các nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thuộc tổ chức World Weather Attribution (WWA), biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng ít nhất 30% khả năng Australia gặp hỏa hoạn bởi các điều kiện thời tiết cực đoan.

Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc WWA đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 6 ở Pháp. Nghiên cứu cũng phát hiện lượng mưa trong cơn bão nhiệt đới Imelda, xảy ra ở Texas (Mỹ) vào tháng 9, có nhiều khả năng xảy ra dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.

Các vụ cháy rừng trên khắp Australia vào năm 2019 - 2020, nhất là khu vực dọc theo bờ biển phía Đông Nam, đã thiêu rụi hơn 11 triệu ha rừng, phá hủy gần 6.000 tòa nhà, giết chết ít nhất 34 người và hơn 1,5 tỷ động vật. Ước tính thiệt hại kinh tế của các vụ cháy rừng có thể lên tới 100 tỷ đô la Úc.

Cháy rừng là một trong nhiều hệ lụy của biến đổi khí hậu do con người gây ra

Các nhà nghiên cứu đã so sánh nhiệt độ toàn cầu hiện nay (nóng lên hơn 1°C) với nhiệt độ trung bình những năm 1900. Theo đó, sóng nhiệt ở Australia năm 2019 - 2020 hiện nóng hơn 1 - 2°C so với khoảng năm 1900. Đặc biệt, nhiệt độ trung bình trong tuần ở Đông Nam Australia trong tháng 12/2019 đã tạo ra lượng ảnh hưởng đến con người ít nhất gấp 2 lần.

Tiến sĩ Sophie Lewis, Đại học New South Wales (Australia) cho biết, biến đổi khí hậu hiện là một phần trong cuộc sống ở Australia. Nhiệt độ cực đoan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu có thể gây ra hỏa hoạn. Bằng chứng cho thấy nhiệt độ cực đoan là một trong những tác nhân gây nên sự kéo dài và dữ dội hơn của các mùa cháy ở Australia.

Nghiên cứu được WWA công bố cũng cho thấy, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C thì các điều kiện thời tiết đã diễn ra trong năm 2019 - 2020 sẽ trở nên phổ biến hơn ít nhất bốn lần.

Giáo sư tiến sỹ Maarten van Aalst, trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhận định: “Biến đổi khí hậu đang khiến cho hoạt động cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn hơn. Chúng ta đang đối mặt với các rủi ro lớn hơn và bất ngờ hơn. Những rủi ro về khí hậu ngày càng tăng đồng nghĩa với sự thích ứng và khả năng phục hồi trở nên rất quan trọng. Nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ, điều quan trọng không kém là phải giảm phát thải”.

Huyền Dung