Năng lượng phát triển

Trong 2 tháng đầu năm, nước ta nhập khẩu hơn 503 tấn khí đốt hóa lỏng

Thứ hai, 18/3/2024 | 15:54 GMT+7
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 344,7 triệu USD để nhập khẩu 503,1 tấn khí đốt hóa lỏng từ các thị trường, tăng 30,2% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2024, Việt Nam nhập khẩu 214.064 tấn khí đốt hóa lỏng (LPG), tương đương hơn 143,9 triệu USD, giảm 25,9% về lượng và giảm 28,1% về trị giá so với tháng trước đó.

Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 344,7 triệu USD để nhập khẩu 503,1 tấn khí đốt hóa lỏng từ các thị trường, tăng 30,2% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình trong 2 tháng đầu năm đạt 685 USD/tấn, giảm hơn 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Qatar là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đứng sau lần lượt là Ả Rập Xê Út và Malaysia. Đáng chú ý, Malaysia đang là thị trường đẩy mạnh xuất khẩu LPG vào Việt Nam với giá rẻ hơn các nước khác.

Cụ thể, trong tháng 2, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Malaysia 63.686 tấn LPG, kim ngạch đạt 42,6 triệu USD, tăng đột biến 1.243% về lượng và tăng 941% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng, Việt Nam chi hơn 60 triệu USD để nhập khẩu 87.100 tấn LPG từ quốc gia này, tăng tới 616% về lượng và tăng 523% về giá trị, chiếm tỷ trọng hơn 17% cả về lượng và kim ngạch nhập khẩu. Giá nhập khẩu bình quân từ Malaysia hiện khoảng 689 USD/tấn, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

LPG ở Việt Nam chủ yếu được dùng để chiết nạp vào bình chứa phục vụ cho nhu cầu dân sinh như sưởi ấm, nấu ăn, công nghiệp, sử dụng trong xe cộ, chất làm lạnh... Bên cạnh đó, các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng trong công nghệ hóa dầu. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới. 

An Vinh (t/h)