Kinh tế xanh

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong thương mại điện tử

Thứ ba, 4/8/2020 | 16:17 GMT+7
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Hội Mã số Mã vạch Việt Nam tổ chức hội thảo Áp dụng mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD trong năm 2019. Việt Nam hiện có 59,2 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn một nửa dân số cả nước, con số này được dự báo sẽ tăng lên 68 triệu vào năm 2021.

Ngoài ra, số lượng người dùng điện thoại thông minh trong sinh hoạt và mua sắm hàng ngày được dự báo sẽ tăng từ 35 triệu lên 40 triệu vào năm 2021. Đây là điều kiện tiền đề để các nhà bán lẻ đầu tư cho các gian hàng trực tuyến và tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường này.

Tuy nhiên, song song với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì hàng giả, hàng không đúng với quảng cáo, hàng bị nâng giá, chưa qua kiểm định cũng đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc ngày càng tràn lan trên thị trường mua bán online

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp và tinh vi như hiện nay, việc áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là hết sức cần thiết. Trong đó, ứng dụng công nghệ QR được coi là giải pháp hiệu quả, vừa giúp nhà sản xuất bảo vệ sản phẩm của mình vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch từ khâu sản xuất đến quá trình bảo quản, vận chuyển… của người tiêu dùng.

Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) nông sản, thực phẩm của TP Hà Nội đã hoàn thành các module quản lý cho Sở Công Tthương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 30 quận huyện, thị xã, 02 chợ đầu mối nông sản loại 1; 01 module quản lý chợ dân sinh; 01 module quản lý sản phẩm OCOP và khởi tạo vận hành cơ sở dữ liệu theo từng cây quản trị dành cho nhà sản xuất, nhà phân phối, logistisc, nhà quản lý, người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hệ thống TXNG còn mang tính khép kín, không thể cùng lúc tham gia nhiều hệ thống truy xuất do thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt, chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ. Hơn nữa, việc tự đặt mã phân định cho sản phẩm, địa điểm, các bên tham gia không đơn nhất nên có thể dẫn đến trường hợp trùng mã giữa các hệ thống TXNG.

Ông Phó Đức Sơn trình bày tổng quan về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại hội thảo

Do đó, theo ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam, để vận hành có hiệu quả trong chuỗi cung ứng, một hệ thống TXNG phải luôn đảm bảo được nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”; “minh bạch”; “sẵn có thông tin”; “sự tham gia của các bên”.

Ông Sơn hy vọng, đến năm 2025, nhiệm vụ của Đề án Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất thông tin có thể đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trước đó. Đặc biệt là Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối được 100% hệ thống TXNG của các bộ, cơ quan liên ngành và ít nhất 70% các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Huyền Dung