Kinh tế xanh

Nỗ lực chống rác thải nhựa của các quốc gia Đông Nam Á

Thứ sáu, 17/7/2020 | 15:40 GMT+7
Đông Nam Á được ghi nhận có sự phát triển về kinh tế nhưng cũng được nhận xét là khu vực có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường lớn trên thế giới. Để khắc phục tình trạng này, mỗi quốc gia trong khu vực đã có những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Thái Lan cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần

Người dân Thái Lan sử dụng chậu, xô, bao tải đi siêu thị để đựng đồ bởi chính sách cấm sử dụng túi nilon

Từ đầu năm 2020, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi nilon dùng 1 lần tại các cửa hàng lớn. Đây là bước đi tiếp theo trong chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ nước này khởi xướng nhằm hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021, để giảm lượng rác thải đổ ra biển. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa cho biết, trước đây nước này từng đứng thứ 6 trên thế giới về lượng rác thải đổ ra biển. Tuy nhiên, trong 5 tháng vừa qua, nước này đã tụt xuống thứ 10 nhờ những nỗ lực như trên.

Trong năm 2019, Thái Lan đã giảm sử dụng 2 tỉ túi nilon, tương đương 5.800 tấn rác thải nhựa, bằng cách kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon một cách tự nguyện trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Philippines đổi rác thải nhựa lấy gạo

Nhằm hạn chế rác thải nhựa cũng như hỗ trợ lương thực cho người nghèo, chính quyền Philippines đã phát động chương trình đổi chai nhựa lấy gạo.

Chương trình đổi nhựa lấy gạo diễn ra tại làng Bayanan - ngoại ô Thủ đô Manila

Theo đó, người dân có thể tích trữ các sản phẩm nhựa mà họ đã sử dụng như chai nước, chai dầu gội… để sau đó đổi lấy thực phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm này phải được rửa và làm sạch trước mới được chấp nhận. Theo quy định, 2 kg rác thải nhựa sẽ đổi được 1 kg gạo. Số rác thải nhựa sau đó được chính quyền tập hợp và giao nộp cho đơn vị chuyên trách để tái chế hoặc xử lý đúng cách.

Singapore "nói không với rác thải nhựa"

Một cuộc khảo sát xã hội cũng đã được thực hiện tại Singapore với khoảng 1.750 người, theo đó 73% người Singapore nhất trí và sẵn sàng ủng hộ chương trình hạn chế rác thải nhựa.

Người dân sẵn sàng sử dụng túi tái chế tại các siêu thị

Cuối năm 2019, Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) cho biết, đơn vị này sẽ kéo dài thêm một năm việc thực hiện chương trình “nói không với túi nilon” tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước để hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.

Số liệu do Cơ quan Môi trường Singapore (SEC) công bố năm 2018, cho thấy bình quân mỗi năm người dân nước này sử dụng khoảng 1,76 tỉ chiếc túi nilon các loại, trong đó gần một nửa (khoảng 820 triệu chiếc) có nguồn gốc từ các nhà hàng và siêu thị.

Việt Nam thay túi nilon bằng túi giấy, “túi lá”

Theo thống kê ở Việt Nam, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP. HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Nhận thức rõ tính nghiêm trọng đối với môi trường của tình trạng này, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế tại 63 điểm cầu thuộc tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu Trung ương.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế phải dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần để bao gói, thay vào đó nên sử dụng túi giấy, túi thân thiện với môi trường có thể tái sử dụng nhiều lần. Chiến dịch đã được đưa vào thực tế và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Y tế.

Túi giấy dần thay thế túi nilon trong ngành y tế

Bên cạnh đó, một số chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam đã dùng lá chuối để bọc thực phẩm tươi thay vì sử dụng túi nilon. Lá chuối được dùng để gói các sản phẩm như cần tây, măng tây xanh, rau ngò, rau húng, rau diếp cá, rau răm... Việc bọc rau bằng lá chuối không chỉ mang lại cảm giác rau an toàn, sạch, tự nhiên hơn, mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, đẩy lùi thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng.

Lá chuối được sử dụng để gói đồ trong các siêu thị lớn ở Việt Nam

Indonesia đánh thuế túi nhựa để giảm thiểu rác thải

Indonesia đã cam kết giảm 70% rác nhựa thải xuống biển vào năm 2025 bằng cách tăng cường tái chế, nâng cao nhận thức cộng đồng và hạn chế dùng đồ nhựa.

Theo Tổng cục Thuế và Hải Quan thuộc Bộ Tài chính Indonesia thông báo, cơ quan này sẽ áp mức thuế 200 rupiah (hơn 300 đồng Việt Nam) đối với mỗi chiếc túi nhựa.

Với lượng rác thải nhựa khổng lồ hàng năm, Chính phủ nước này đã ra quyết định đánh thuế túi nilon để hạn chế người dân sử dụng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Hải Quan Indonesia, ông Heru Pambudi cho rằng mức thuế này là hoàn toàn phù hợp sau khi cân nhắc đến nhiều yếu tố như môi trường, sức mua của người dân hay ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Theo ông Heru, việc áp thuế nói trên nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa, đặc biệt là túi làm từ nhựa hay các vật liệu không thể tái chế. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cân nhắc giảm thuế cho các sản phẩm từ nhựa có thể tái chế.

Malaysia trả lại rác thải nhựa cho các nước giàu

Để tránh trở thành "thùng rác của thế giới", Malaysia đã trả lại lượng lớn rác thải nhựa về các nước xuất xứ

Đầu năm nay, chính quyền Malaysia đã thông báo gửi trả lại 150 container rác thải nhựa, có tổng trọng lượng khoảng 3.737 tấn, cho 13 quốc gia, hầu hết là nước phát triển cùng với cảnh báo không thể biến nước này thành thùng rác của thế giới.

Chính phủ Malaysia cho biết sẽ khởi động kế hoạch hành động để ngăn chặn triệt để vấn nạn nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp như hiện nay. Trong đó, nước này đã đóng cửa hơn 200 nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp – nguyên nhân chính gây nên tình trạng nhập khẩu rác bất hợp pháp nêu trên, và yêu cầu họ phải chịu tàn bộ chi phí vận chuyển gửi trả. Đồng thời giúp các cơ quan khác nhau phối hợp thực thi và đẩy nhanh quá trình trả lại chất thải.
 

Thanh Tâm (t/h)