Việc lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Phát huy giá trị danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực. Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ danh lam thắng cảnh làm cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ; xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa
Quyết định nêu rõ, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa), thuộc phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: toàn bộ danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai khu vực lập quy hoạch; mối liên hệ với các di tích, công trình, địa điểm trong khu vực nhằm kết nối, phát triển du lịch.
Về nhiệm vụ lập quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu xác định nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng danh lam thắng cảnh; đánh giá mối liên hệ vùng bao gồm: mối liên kết với hệ thống đô thị, du lịch và điểm dân cư trên địa bàn, vị trí, vai trò của danh lam thắng cảnh đối với phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung; xác định đặc trưng, nhận diện yếu tố cấu thành, cấu trúc không gian cảnh quan và các giá trị tiêu biểu khác của danh lam thắng cảnh...
Thời kỳ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định yêu cầu, tiêu chí lựa chọn danh mục các dự án đầu tư, danh mục các nhóm dự án thành phần, bao gồm: nhóm dự án giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ danh lam thắng cảnh; nhóm dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nhóm dự án bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa trong khu vực danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng; nhóm dự án bảo vệ và phát triển hệ sinh thái biển gắn với các hoạt động dân sinh kết hợp phát triển du lịch; nhóm dự án phát triển sản phẩm và xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch.
Xác định danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng các nguồn huy động hợp pháp khác, bảo đảm phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cho từng giai đoạn; làm rõ cơ sở đề xuất nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội để thực hiện sau khi quy hoạch được phê duyệt. Đề xuất cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch, giải pháp thực hiện quy hoạch, quy chế quản lý việc xây dựng các công trình trong khu vực quy hoạch gồm: giải pháp về quản lý; huy động nguồn lực bảo vệ danh lam thắng cảnh; tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh...