Ngày 22/02, tại Thành phố Đà Lạt, Chương trình Tọa đàm tham vấn “Kế hoạch thành phố Đà Lạt triển khai các cam kết gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc giai đoạn 2025 - 2027” diễn ra, do UBND Thành phố Đà Lạt tổ chức. Chủ trì Chương trình là các lãnh đạo UBND Thành phố, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO Việt Nam và Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Buổi Tọa đàm diễn ra sôi nổi, có chất lượng với sự tham gia của các đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Văn phòng đại diện UNESCO Việt Nam, các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; lãnh đạo các Sở, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Đà Lạt; các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động về lĩnh vực âm nhạc; các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn…

Chủ trì buổi Tọa đàm
Trước đó, ngày 31/10/2023, Thành phố Đà Lạt chính thức được công nhận là thành viên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết: “Đây cũng được xem làm tiền đề, hỗ trợ hiệu quả cho thành phố trong việc đẩy mạnh đối ngoại văn hóa, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế gắn với phát triển du lịch địa phương. Tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho phát triển kinh – tế xã hội của thành phố”. Chủ tịch Thành phố cho rằng, Chương trình Tọa đàm nhằm giữ vững và phát huy hơn nữa thương hiệu thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO, tìm những giải pháp có giá trị khoa học và thực tiễn để hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO; Thành phố cũng đón nhận những tư vấn chuyên môn, định hướng phát triển và đánh giá thực hiện; kết nối và xây dựng quan hệ đối tác với một số đơn vị tư vấn và đối tác thực hiện; hiến kế các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.
Trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam, không thể nói đến đó là thành phố Hà Nội - thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Có thể khẳng định trong thời gian qua Hà Nội đã triển khai thực hiện rất thành công các cam kết và được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình vận hành thành phố sáng tạo trong thời gian qua. Sau đây xin trân trọng kính mời Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm vận hành của thành phố sáng tạo.

Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Đặng Quang Tú: Chúng tôi càng có niềm tin hơn để thực hiện cam kết khi tham gia mạng lưới Âm nhạc của UNESCO
Việc Đà Lạt trở thành mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO Việt Nam cho rằng, sự kiện đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thành phố và Việt Nam. Đây là cơ hội, trách nhiệm và cam kết thúc đẩy sự sáng tạo, củng cố các ngành công nghiệp văn hóa và đảm bảo âm nhạc là nguồn động lực thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Để đảm bảo phù hợp với Tuyên ngôn Braga, theo ông Jonathan Wallace Baker, kế hoạch hành động của Thành phố Đà Lạt cần thực hiện mấy nội dung quan trọng. Đó là tận dụng sự sáng tạo về âm nhạc để phát triển đô thị và kinh tế; tăng cường quan hệ đối tác công-tư để tạo môi trường cho các ngành công nghiệp văn hóa; huy động sự tham gia của thanh niên, vị thành niên; áp dụng chuyển đổi số để tăng khả năng tiếp cận công chúng, đổi mới và hướng tới phạm vi tiếp cận toàn cầu. “Thông qua quan hệ đối tác bền chặt, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Lạt thực hiện các cam kết của mình với tư cách là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tư vấn chuyên môn kỹ thuật và kết nối Đà Lạt với các thành phố sáng tạo khác trên toàn thế giới để trao đổi các thực hành tốt và thúc đẩy sự phát triển chung”, ông Jonathan Wallace Baker phát biểu.

Ông Jonathan Wallace Baker: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tư vấn chuyên môn kỹ thuật và kết nối Đà Lạt với các thành phố sáng tạo khác trên toàn thế giới để trao đổi các thực hành tốt và thúc đẩy sự phát triển chung
Buổi Tọa đàm tiếp tục làm sáng tỏ hơn bởi nhiều ý kiến tham vấn đến từ các chuyên gia, nhà quản lý và những người trực tiếp thực hiện các chương trình về lĩnh vực âm nhạc của các công ty, tổ chức sự kiện… Đây là những hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm và ý tưởng vô cùng quý giá được đúc kết từ thực tiễn nói chung, Đà Lạt nói riêng và các luận chứng khoa học để tham vấn, truyền cảm hứng, gia tăng động lực cho Thành phố Đà Lạt triển khai các cam kết hành động sáng tạo trong giai đoạn 2025-2027.
Đó là các ý kiến chia sẻ từ bà Trần Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các chính sách cần có để thu hút các dự án âm nhạc quốc tế tổ chức tại Đà Lạt; ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông - Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện tốt hoạt động truyền thông quảng bá gắn âm nhạc với tài nguyên thiên nhiên và môi trường; bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Việt Nam về định hướng, kinh nghiệm chuẩn bị các quy trình đăng cai tổ chức Hội nghị âm nhạc quốc gia và khu vực sắp tới của Đà Lạt…

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nêu nhiều giải pháp về các sáng kiến
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, để thực hiện tốt các cam kết với UNESCO, Đà Lạt cần tập trung triển khai sớm 3 công việc. Bao gồm: Cần nêu những cam kết đã triển khai, theo đó, báo cáo thiết kế chọn lọc và trở thành công cụ thông tin, công cụ quảng bá. Mặt khác, tiếp tục đầu tư trang web quảng bá nhằm mục tiêu trở thành trạm thông tin có kho tàng dữ liệu đủ lớn, phong phú, đa dạng hóa ngôn ngữ và cập nhật để cung cấp cho du khách. Cuối cùng, Thành phố Đà Lạt cần tạo đầu mối cụ thể trong hệ thống kết nối mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như kết nối cộng đồng, doanh nghiệp.
Là một trong những chuyên gia, nhà quản lý tham gia suốt quá trình xây dựng và bảo vệ hồ sơ Thành phố Đà Lạt trở thành mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tiếp tục nêu nhiều ý kiến quý đối với Thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung tại buổi Tọa đàm. Bà Phương đã nêu nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc dựa trên thế mạnh thương hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Đặc biệt là những sáng kiến từ kết nối, phối hợp tham gia từ các chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực như âm nhạc, văn hóa dân gian, nhân học, phim tài liệu…để giúp các cộng đồng dân tộc bản xứ Nam Tây Nguyên, trong đó đặc biệt giới trẻ nhằm phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc. Những hoạt động bao gồm nghiên cứu, hệ thống hóa lưu trữ về âm nhạc. Đồng thời các sản phẩm du lịch, văn hóa địa phương đều hướng tới tính phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, điểm yếu của Thành phố Đà Lạt cần khắc phục đó là giáo dục âm nhạc cộng đồng nhằm nâng cao hệ sinh thái âm nhạc của Đà Lạt. Sáng kiến này cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, chính quyền tỉnh, các cơ quan, tổ chức giáo dục, đào tạo và nghiên cứu âm nhạc của Trung ương…Mặt khác, Đà Lạt cần tiếp tục phát huy sáng kiến về các không gian sáng tạo của thành phố. Sáng kiến này cũng cần sự tham gia của nhiều bên nhằm đạt được những tương hỗ cùng phát triển. Bà mong muốn Đà Lạt cần củng cố, mở rộng không gian và tập trung vào sáng kiến này như kinh nghiệm đã đạt được ở 2 thành phố Hà Nội và Hội An.

Văn hóa đặc sắc Nam Tây Nguyên là một trong những đặc trưng để Đà Lạt phát huy, bảo tồn và khẳng định Thành phố Âm nhạc
Nhiều ý kiến được đúc kết kinh nghiệm đồng thời những mong đợi của một Thành phố Đà Lạt Âm nhạc thuộc mạng lưới UNESCO cũng được các nhà tổ chức sự kiện, đơn vị về các lĩnh vực du lịch, nghệ thuật, biểu diễn…trên địa bàn Thành phố và trong nước được trao đổi có ý nghĩa như: Công ty N2MS- bà Phạm Thị Hồng Nhung, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển kinh doanh; chủ cơ sở kinh doanh Stop and go-ông Phan Thành Quang; Công ty Lululola –ông Lê Thanh Hậu; Công ty Kiến trúc và chuyển giao công nghệ Hà Nội-Giám đốc Nguyễn Mạnh Linh; Dự án khu nghỉ dưỡng Lavender-ông Hồ Thanh Long; Phố Bên Đồi Creative Studio-ông Nguyễn Hiền…
Kế hoạch triển khai các cam kết gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc giai đoạn 2025 – 2027 của Thành phố Đà Lạt bao gồm các hoạt động thường xuyên như: truyền thông, tuyên truyền, quảng bá; mời tư vấn chuyên môn; tham dự các hoạt động, sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn Mạng lưới do UNESCO/ thành viên UNESCO tổ chức; thực hiện các cơ chế, chính sách trên cơ sở kết hợp công - tư nhằm hỗ trợ hoạt động sáng tạo âm nhạc tại địa phương; thành lập mạng lưới các chủ thể sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc thành phố Đà Lạt.


Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến có giá trị
Mặt khác, triển khai các sáng kiến cấp địa phương đã cam kết khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO như: Di sản âm nhạc của tương lai; Chương trình liên kết, đào tạo âm nhạc; Xây dựng và củng cố mạng lưới không gian văn hóa và sáng tạo thành phố; Các hoạt động khuyến khích sáng tạo âm nhạc
Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2025-2027 của Thành phố Âm nhạc Đà Lạt còn triển khai 03 sáng kiến cấp quốc tế đã cam kết khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Cụ thể hàng năm sẽ tổ chức “Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á”; “Chương trình Thanh âm của đại ngàn” và hai năm một lần tổ chức “Festival âm nhạc quốc tế LangBiang”.

Đà Lạt đã tổ chức rất thành công Chương trình âm nhạc quốc tế với nhiều huyền thoại âm nhạc thế giới vào tháng 12/2024
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú khẳng định buổi Tọa đàm đã thành công bởi đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết và khoa học của các đại biểu. Ông cho rằng, Đà Lạt có rất nhiều danh hiệu nhưng với danh hiệu Thành phố lĩnh vực Âm nhạc là danh hiệu rất lớn. Chủ tịch Thành phố Đà Lạt cũng bày tỏ cảm ơn đến các chuyên gia, nhà quản lý Trung ương về sự giúp đỡ tư vấn xây dựng hồ sơ và đưa ra 3 sáng kiến quốc tế và 3 cam kết trong nước cho Thành phố. “Đưa ra cam kết là phải làm chứ không phải đưa ra chỉ dừng lại được công nhận. Từ nhiều ý kiến hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã giúp cá nhân tôi và lãnh đạo Thành phố có nhiều niềm tin hơn, nỗ lực vượt qua những khó khăn thực tế để tổ chức triển khai thực hiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn cần vượt qua nhưng với những hiến kế tâm huyết và sự đồng hành của các đại biểu, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh Kế hoạch và cũng cam kết buộc phải thực hiện các cam kết khi Thành phố gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc”, ông Tú kết luận.

Toàn cảnh buổi Tòa đàm