Khoa học công nghệ

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp: Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Thứ tư, 16/12/2015 | 13:54 GMT+7
Việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp sẽ có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các giống cây trồng, bảo quản nông sản... Do đó, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích triển khai các kỹ thuật này.

Trên 50% diện tích đậu tương được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ.

Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, từ việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra 61 giống cây trồng đột biến được công nhận và đưa vào sản xuất ở Việt Nam, trong đó có 41 giống lúa, 9 giống đậu tương, 4 giống hoa, 2 giống ngô, 2 giống táo, 2 giống lạc, 1 giống cây bạc hà.

Ví dụ, các giống lúa đột biến như: VND95-20, VND99-3, TNDB100, OM2717... đã được đưa vào sản xuất với diện tích trung bình trên 418.000ha/năm, giúp tăng thu nhập cho người trồng khoảng 836 tỷ đồng mỗi năm. Riêng giống lúa VND95-20 được trồng trên 300.000ha/năm đã trở thành 1 trong 5 giống lúa chủ lực trong chương trình xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Hay đậu tương, có tới trên 50% diện tích (khoảng 80 ngàn ha/năm) được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ. Các giống như DT84, DT90, DT99, DT2008… cho năng suất cao đạt từ 18-36 tạ/ha (trong khi các giống cũ chỉ đạt năng suất khoảng 6,8 tạ/ha), góp phần đưa năng suất đậu tương của Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới hiện nay yêu cầu nông sản nếu muốn vào thị trường của họ, bắt buộc phải chiếu xạ. Ví dụ, nếu không chiếu xạ, thanh long hay vải thiều Việt Nam không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Không chỉ riêng với hoa quả, phương pháp này còn rất tốt đối với các mặt hàng hải sản. Chiếu xạ giúp tiệt trùng, tiêu diệt các mầm bệnh, nấm mốc, vi khuẩn, giúp tăng thời gian bảo quản nông sản.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Huy Hàm cho hay, mặc dù hiện nay, trên thế giới việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp rất phổ biến, song ở Việt Nam lĩnh vực nghiên cứu này chưa thực sự được Nhà nước quan tâm, các đơn vị quản lý khoa học chưa đánh giá hết tiềm năng ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp và chưa có sự đầu tư thích đáng cho hướng nghiên cứu này.

Trong khi đó, Nhật Bản đã tính được cứ 1 USD đầu tư vào ứng dụng hạt nhân trong nông nghiệp sẽ tạo ra 1.000 USD. Trong giai đoạn 1949- 2005, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 68 triệu USD cho ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho nông nghiệp nước này và đã tạo ra được 61 tỷ USD. Các nước khác cũng ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực này. 

“Hiện nay, chúng ta chưa có bất cứ một trung tâm chiếu xạ phục vụ gây đột biến, chọn tạo cây trồng cho ngành nông nghiệp. Hiện, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học phải đưa các mẫu nghiên cứu đi nhờ xử lý chiếu xạ tại các bệnh viện, các trung tâm chiếu xạ công nghiệp nên thiếu tính chủ động”, Tiến sĩ Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên sâu về nghiên cứu – triển khai kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp còn thiếu. Việc đầu tư phòng thí nghiệm với các trang thiết bị máy móc chuyên dụng, hiện đại đang là nhu cầu cấp thiết. Đồng thời, chúng ta cần nhanh chóng phát triển công nghệ chiếu xạ thực phẩm nhằm phục vụ việc xử lý, chế biến, bảo quản và xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào các thị trường lớn có các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch nghiêm ngặt như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…

Nguồn: Báo Công thương