Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) định nghĩa, việc làm xanh là việc làm bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hành chính... góp phần bảo tồn, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường.
Việc làm xanh giúp giảm thiểu tác động của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đến môi trường bằng cách: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nguyên liệu thô và nước, giảm thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu hoặc tránh mọi hình thức gây lãng phí và ô nhiễm, bảo vệ hoặc phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học, hỗ trợ thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.
Một cách đơn giản hơn có thể hiểu, việc làm xanh bao gồm mọi ngành nghề đang có trên thị trường nhưng thêm yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thậm chí cả những ngành nghề mới nhưng trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, khí hậu.

Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái, Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (RC) trực thuộc Hội hóa học Việt Nam, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, việc làm xanh có vai trò thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng, tạo cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực xanh, đồng thời nâng cao kỹ năng cho người lao động, góp phần vào an sinh xã hội vì việc làm xanh gắn với môi trường làm việc an toàn hơn, ổn định hơn.
Xu hướng tuyển dụng “nhân lực xanh” - cốt lõi của việc làm xanh, góp phần vào tăng trưởng xanh đang ngày càng gia tăng trên thế giới... Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, đến năm 2030, quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu có thể tạo ra 25 triệu việc làm, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể tạo ra 14,2 triệu việc làm xanh nếu các quốc gia này đầu tư mạnh mẽ vào các vấn đề môi trường.
Tại Việt Nam, dù mới ở giai đoạn đầu trong chuyển đổi xanh, kinh tế xanh nhưng các chuyên gia nhận định xu hướng việc làm xanh đang được nhiều doanh nghiệp chú ý trong công tác tuyển dụng. Báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” của tập đoàn cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới Manpower Group năm 2024 cho biết, có tới 85% số người lao động Việt Nam quan tâm đến danh tiếng về trách nhiệm xã hội của một công ty khi quyết định nhận việc. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra, Việt Nam hiện có 39 ngành nghề xanh, chiếm 3,6% tổng số việc làm. Trong tương lai gần, có đến 88 ngành nghề được dự đoán có tiềm năng trở thành việc làm xanh, chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường.
Định hướng chung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ là tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng đề ra 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, trong đó nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh với 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Điều này cho thấy, việc làm xanh là một yếu tố không thể tách rời trong hệ sinh thái các hoạt động đồng bộ góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững.
Những khó khăn, thách thức còn tồn tại để phát triển việc làm xanh ở Việt Nam hiện nay là: nhận thức về tăng trưởng xanh nói chung và việc làm xanh nói riêng trong cộng đồng, trong doanh nghiệp, trong giáo dục - đào tạo và trong công tác phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế. Các tiêu chí để đánh giá việc làm xanh chưa rõ rệt do đó vấn đề đo lường việc làm xanh trong thực tiễn còn nhiều khó khăn. Một thực tế nữa là các ngành “xanh” ở Việt Nam mới chỉ thu hút lao động phổ thông, lao động kỹ năng chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong các ngành kinh tế hướng đến bảo vệ môi trường.
Để có thể thúc đẩy việc làm xanh trở thành trụ cột cho tăng trưởng xanh, theo chuyên gia, việc đầu tiên cần làm là phải thống nhất và hiểu đúng các khái niệm về kinh tế xanh và việc làm xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với tình hình của đất nước. Các khái niệm này cần phải được luật hóa và tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng. Cần thiết phải có những hoạt động giới thiệu, phổ biến kiến thức về việc làm xanh, ngành nghề xanh cho mọi đối tượng từ cơ quan xây dựng chính sách, nghiên cứu đào tạo, đến doanh nghiệp, trường học, người sử dụng lao động và người lao động. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.