Trong nước

Việt Nam cần tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư

Thứ ba, 16/6/2020 | 10:10 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình KT-XH và quyết toán ngân sách nhà nước, chiều 15/6 cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới, nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn, có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, đất đai, lao động, năng lượng, quy hoạch. Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó cũng cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới. 

Việt Nam cần tranh thủ để thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị. Đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả hai phía trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này nên Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để bảo đảm thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn. 

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI bằng mọi giá, nhất là những dự án mà ảnh hưởng công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng...

"Dịch Covid - 19 tuy đã được kiểm soát tốt ở trong nước nhưng dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, nhất là các đối tác đầu tư thương mại lớn của nước ta. Do vậy, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế nhất là an toàn xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh tài chính, tiền tệ, phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nhằm chớp lấy thời cơ thuận lợi và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội để phục hồi và phát triển", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hải Đăng