Trong nước

Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo

Thứ tư, 26/4/2023 | 15:48 GMT+7
Theo “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”. Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD cho rằng, thị trường tài chính có những thay đổi lớn; những yếu tố bất định đang diễn ra do giá lương thực, nhiên liệu; cuộc xung đột giữa các nước… Điều này đòi hỏi các quốc gia cần có những đổi mới về cơ cấu để tăng khả năng phục hồi và khả năng chống chịu.

Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhanh chóng, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả mà rất ít quốc gia có thể đạt được.

Quang cảnh buổi lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”

Ông Vincent Koen đã trình bày một số nội dung của “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”. Theo đó, OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.

Báo cáo cũng đưa ra 3 thông điệp chính. Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

Trong trung hạn, báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.

Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị tư nhân.

Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.

“Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” đã tập trung phân tích sâu sắc, làm nổi bật bối cảnh, tình hình và các quan điểm, định hướng phát triển; chia sẻ kinh nghiệm của OECD trong xây dựng các chính sách liên quan, nhất là về xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản trị doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế xanh... Đây cũng là những vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương rất quan tâm, theo dõi sát sao trong quá trình chỉ đạo, tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực.

Tại buổi lễ, các chuyên gia và đại biểu đã trao đổi về những nội dung của báo cáo, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng để đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hệ thống quy định đối với thị trường hàng hóa, thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi xanh; tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Cẩm Hạnh