Trong nước

Việt Nam xuất siêu 4,8 tỷ USD trong quý I/2023

Thứ tư, 26/4/2023 | 10:55 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nước ta xuất siêu 4,8 tỷ USD trong quý I/2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ tổ chức vào ngày 25/4, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng xuất khẩu tháng 3 vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu…

Tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Tính đến giữa tháng 4 năm nay, Việt Nam đã xuất 2,37 triệu tấn gạo, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 45% về giá trị

Một số nguyên nhân được chỉ ra, thứ nhất là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau.

Cụ thể, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.

Ngoài ra, một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2023 là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, thặng dư đạt 4,8 tỷ USD và đến hết tháng 4, có thể đạt 5,8 tỷ USD. Trong đó có một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như rau quả đạt 912 triệu USD, tăng 16,2%; mặt hàng gạo đã xuất 1,86 triệu tấn, đạt 981 triệu USD, tăng 34% giá trị… Thậm chí tính đến ngày 15/4, Việt Nam đã xuất 2,37 triệu tấn gạo, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 45% về giá trị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng các thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.

Tiến Đạt