Trong nước

Quảng Ninh cần phát triển ngành nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Chủ nhật, 12/12/2021 | 19:02 GMT+7
Ngày 12/12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh về việc phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PNNT Quảng Ninh cho biết, tỉnh có vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm; sản lượng khai thác thủy sản trung bình đạt trên 145.000 tấn/năm.

Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Ninh

Giám đốc Sở NN&PNNT Quảng Ninh cho biết thêm, tháng 7/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết đã tạo cơ hội rộng mở để nông sản Quảng Ninh mở rộng thị trường. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các Sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới cách thức sản xuất, nuôi trồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Trong thời gian này, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để hướng tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao.

Phát biểu tại chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, người nông dân muốn thành công thì không chỉ làm nông nghiệp bằng phân bón, thuốc hay hóa chất mà phải làm bằng cả trái tim. Người nông dân không bán sản phẩm mà bán niềm tin nơi người tiêu dùng. Vì khi sản phẩm đạt sự tin tưởng, có chỗ đứng với người mua thì khi đó sản phẩm sẽ được trả giá rất cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, không cần thiết phải sản xuất nông nghiệp một cách “máy móc” là phải có quy mô lớn mà cần quan tâm đến mục đích làm nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, những người dân tộc sinh sống ở vùng núi cao có thể kết hợp làm nông với du lịch nhờ địa thế, địa hình sẵn có. Đây là nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, kết hợp giữa tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và sự đổi mới sáng tạo, rất phù hợp với địa thế của tỉnh. Cụ thể, Quảng Ninh có lợi thế là địa phương có ngành du lịch phát triển, mỗi năm có hàng triệu lượt khách tham quan. Chính vì vậy, tỉnh cần tận dụng lợi thế đó để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, ngược lại sản phẩm nông nghiệp sẽ là loại hình du lịch mới giúp lôi cuốn, hấp dẫn thêm khách du lịch.

Khả Như (T/H)