10,3 triệu EUR hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Thứ tư, 26/2/2020 | 10:17 GMT+7
Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA), sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR. Cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA), sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện tại Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 03/04/2019. Trên cơ sở đó, ngày 03/9/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 2241/QĐ-BTNMT phê duyệt Văn kiện Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris.

Dự án được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR. Cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ dự án là Cục Biến đổi khí hậu. Nhà tài trợ là Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức; Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai thực hiện. Cơ quan phối hợp tham gia thực hiện dự án gồm các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Một trong những hợp phần của dự án là thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình

Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA) được thực hiện với mục tiêu nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Theo đó, Dự án gồm 05 hợp phần đầu ra: Hợp phần 1 - Tăng cường năng lực xây dựng, rà soát, cập nhật, triển khai NDC và Thỏa thuận Paris. Hợp phần 2 - Tăng cường khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghép NDC vào chiến lược ngành của các Bộ. Hợp phần 3 - Thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hợp phần 4 - Xây dựng một số hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Hợp phần 5 - Tăng cường điều phối các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu toàn cầu IKI.

Đối với Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức cũng như Đại sứ quán Đức, VN-SIPA là một Dự án rất quan trọng trong sáng kiến IKI, bởi bên cạnh các hoạt động liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, nó còn là nền tảng giúp để thực hiện các vấn đề khác liên quan đến BĐKH. Dự án VN- SIPA phải có nhiệm vụ phối kết hợp với những dự án IKI khác và là đầu mối để liên lạc với các dự án IKI khác tại Việt Nam bao gồm 01 điều phối viên của Việt Nam cũng như các kênh truyền thông, kênh giao tiếp liên quan đến chính sách và các sáng kiến BĐKH tại Việt Nam.

Đức sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam về những hoạt động liên quan đến BĐKH tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng từ những đóng góp của Việt Nam trong việc chung tay thực hiện giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Môi trường Đức và Tổ chức GIZ. Chúng tôi cam kết chung tay cùng Việt Nam thực hiện chương trình này để Dự án thực hiện thành công tốt đẹp.” - Ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định.

 

An Nhiên