Hàng trăm dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất chưa được giải quyết
Như thông tin Nhịp sống kinh tế đăng tải, trong các năm gần đây, nhiều chủ đầu tư rất nỗ lực để hoàn thành bàn giao đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà nhưng hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
HoREA mới chỉ tổng hợp số liệu từ 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp, thì đã có đến hơn 28.300 căn nhà và căn hộ officetel, gồm trên 25.600 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và gần 2.700 căn hộ officetel đã bị chậm cấp sổ hồng, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015 - 2019 (chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015).
Theo HoREA, nếu thống kê đầy đủ thì số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần. Việc "tắc" tiền sử dụng đất dẫn đến "tắc" sổ hồng cho người mua nhà đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực.
Vingroup rút khỏi dự án đô thị mới 3.490 ha tại tỉnh Long An
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường bất động sản dưới tác động của Covid-19, Vingroup đã cân nhắc rút lui khỏi dự án khu đô thị mới tại xã Thạch Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Được biết để chuẩn bị cho dự án, trước đó, tập đoàn đã khảo sát, tìm hiểu thị trường, đưa ra định hướng triển khai dự án phù hợp, đáp ứng nhu cầu nâng cấp hạ tầng, mở rộng đô thị, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương và khu vực lân cận.
![](/userfile/User/manhtuong/images/VIN-20200909105746243.jpg)
Ảnh minh họa
Không chỉ dự án tại Long An, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hồi địa điểm nghiên cứu dự án tổ hợp sân gofl, khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, khu biệt thự cao cấp tại khu vực hồ Khe Chè, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh với lí do Tập đoàn Vingroup đề nghị không tiếp tục nghiên cứu quy hoạch.
Hiện tại Vingroup đang tập trung cho các dự án đô thị mới tại huyện Đức Hòa và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với các hạng mục chính gồm khu nhà ở, trường học, bệnh viện…
Gần 562 tỷ nâng cấp Quốc lộ 27 qua tỉnh Ninh Thuận
Tổng cục Đường bộ vừa phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 các đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 255,958 tỷ đồng.
Theo báo Đấu thầu, Ban Quản lý dự án 8 (bên mời thầu) cho biết, trong quý III/2020, Ban sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi (không qua mạng) gói thầu số 04 tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; khôi phục cọc mốc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới (giá gói thầu 3,698 tỷ đồng). Cũng trong quý III, Ban sẽ chỉ định nhà thầu thực hiện tói thầu số 05 tư vấn giám sát khảo sát; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và thẩm tra an toàn giao thông của dự án (giá gói thầu 0,353 tỷ đồng).
Hiện nay, dự án đã lựa chọn được 2 nhà thầu thực hiện 2 gói thầu gồm: Công ty CP Tấn Phát trúng dói thầu số 1 tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ trúng gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi.
Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch cảng hàng không quốc tế tại Cẩm Xuyên
Báo Xây dựng đưa tin, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn, lập bổ sung Cảng hàng không Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại các xã Thạch Văn huyện Thạch Hà; Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là sân bay dân dụng quốc tế cấp 4C có 2 đường băng với chiều dài lớn hơn 1.800 m. Các đường bay dự kiến khai thác tại sân bay này là Hà Nội, TPHCM, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), Phú Quốc (Kiên Giang), Đài Loan, Hàn Quốc.
![](/userfile/User/manhtuong/images/HA-TINH-20200914125335128.jpg)
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300 ha đến 450 ha. (Ảnh minh họa)
Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách/năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách/năm.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 thì sân bay Hà Tĩnh được xác định vị trí quy hoạch tại xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Dự kiến thời gian thực hiện là giai đoạn sau 2020 cần thiết xây dựng một sân bay phục vụ chuyên cơ và dành diện tích để mở rộng về sau, khi nhu cầu đủ lớn.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết là hiện đã có một số nhà đầu tư đang quan tâm đến xây dựng sân bay Hà Tĩnh nhưng do chưa có quy hoạch cảng hàng không nên chưa thể thực hiện được.