Bản tin môi trường số 3/2022

Thứ hai, 17/1/2022 | 14:56 GMT+7
Dữ liệu mà Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ công bố ngày 13/1 cho thấy, 9 năm liên tục từ 2013 đến 2021 được ghi nhận có nhiệt độ lên tới mức “nóng kỷ lục". Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với con người rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đã rất gần và nghiêm trọng.

Báo động sự nóng lên của khí hậu toàn cầu

Theo NOAA, trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,84 độ C so với mức trung bình của thế kỷ XX và là năm có nhiệt độ cao thứ 6 tính từ khi thống kê bắt đầu được tiến hành vào năm 1880.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, tác động trực tiếp đến con người

Phân tích của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng cho thấy 2021 và 2018 là những năm ở trong danh sách 6 năm có nhiệt độ nóng nhất từ trước tới nay và rằng sự gia tăng lượng khí nhà kính kể từ khi con người tiến hành cách mạng công nghiệp đến nay là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hành tinh nóng lên.

Các nhà khoa học dự báo gần như chắc chắn rằng 2022 sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử.

Những dữ liệu mới công bố của NOAA càng khẳng định thêm sự cấp thiết thế giới phải nỗ lực hơn nữa để có các giải pháp nhằm đảm bảo trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C nếu như muốn tránh được thiên tai như siêu bão, sóng thần, lụt lội mà hệ quả là sự tàn lụi của thiên nhiên và sự hủy diệt các cộng đồng người sinh sống ven biển.

Quy định về nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Ảnh minh họa

Theo đó, ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh, hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng, hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.

Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản đề nghị các cơ quan, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước, hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2.

Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2 năm 2022 sẽ là năm đầu tiên đánh dấu sự ghi nhận của thế giới với nguồn tài nguyên này. Năm nay, Ban thư ký Công ước về các vùng đất ngập nước lấy chủ đề "Vì con người và thiên nhiên: Hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước" cho ngày kỷ niệm nhằm kêu gọi sự tăng cường nỗ lực và đầu tư vào bảo tồn, quản lý, phục hồi các vùng đất ngập nước. Đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Vùng đất ngập nước Láng Sen, Long An

Là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, Bộ TN&MT thay mặt Chính phủ Việt Nam đề nghị các cơ quan, địa phương tổ chức một số hoạt động gồm: tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên; kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước và các hoạt động thể hiện tình yêu đối với các vùng đất ngập nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các hoạt động truyền thông cho Ngày Đất ngập nước thế giới 2022 được Bộ TN&MT yêu cầu tiến hành phù hợp. Trong đó, tổ chức lễ kỷ niệm, các cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2022; đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý, phục hồi các vùng đất ngập nước; tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành, địa phương.

Các tài liệu về chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2022, các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới trong năm 2022 của các địa phương được đăng ký và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Công ước về các vùng đất ngập nước tại https://www.worldwetlandsday.org.

Phương An