Bản tin môi trường số 34/2023

Thứ hai, 11/9/2023 | 10:27 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Công văn số 7294/BTNMT-TTTT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023.

Tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023

Với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 nhằm tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích những hoạt động, phong trào cộng đồng vì môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Để Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 đạt kết quả cao, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023

Cụ thể, các tỉnh, thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển tăng cường hơn hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm, sự kiện, phong trào, chương trình hành động để hưởng ứng và tạo giá trị lan tỏa cao.

Bộ TN&MT cũng đề nghị đẩy mạnh, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Việt Nam và Hoa Kỳ cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường

Nhân buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã trao đổi về các chương trình hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và khí hậu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh hy vọng các lĩnh vực và hoạt động hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng được mở rộng, thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của Hội nghị COP26 và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp và làm việc Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Đại sứ Marc E.Knapper mong muốn trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Bộ TN&MT sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác với cách tiếp cận mới, tích hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu và môi trường. Đồng thời, thúc đẩy việc triển khai dự án Giảm thiểu ô nhiễm và các dự án hành động chống ô nhiễm nhựa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và quản lý rác thải nhựa; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên còn nhiều tiềm năng như: khai thác khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý bền vững tài nguyên nước… thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan giúp Việt Nam có được sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực tài chính để triển khai những chương trình hợp tác, cam kết với quốc tế.

Thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa

Ngày 8/9, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phối hợp tổ chức hội nghị Truyền thông nâng cao trách nhiệm mở rộng sản xuất nhằm giảm thiểu chất thải nhựa.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về trách nhiệm mở rộng sản xuất (EPR) của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc sử dụng nguyên liệu nhựa, tái chế, thu hồi, xử lý chất thải… giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội thảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải; thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội, giúp chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường.

Theo đó, đại diện Bộ TN&MT và Văn phòng Hội đồng EPR tham gia hội nghị đã cùng trao đổi, chia sẻ, giải đáp các câu hỏi của hiệp hội và doanh nghiệp trong thực hiện quy định chi tiết về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu để doanh nghiệp nắm rõ hơn quy định của pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì cũng như trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trong suốt vòng đời của sản phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò và tích cực phối hợp với Bộ TN&MT phổ biến, cung cấp thông tin, tuyên truyền sâu rộng về EPR trong quá trình sản xuất, nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu.

Việt Nga