Bản tin môi trường số 6/2023

Thứ hai, 13/2/2023 | 10:00 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với bà Ramba Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam để bàn về quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Liên Hợp Quốc

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực, truyền thống giữa UNDP và Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, biến đổi khí hậu, môi trường, ngay từ giai đoạn đầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, xây dựng mô hình phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị UNDP tích cực hỗ trợ Việt Nam về quản trị công nghệ, tiếp nhận các dự án chuyển đổi năng lượng hài hòa với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam gồm: y tế, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, kinh tế tuần hoàn, môi trường, quy hoạch không gian biển… và mong muốn UNDP tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình hiệu quả đã được triển khai tại những quốc gia khác.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, những cơ chế, thỏa thuận về thị trường carbon, tín chỉ carbon… cũng cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ ở từng quốc gia mà phải kết nối toàn cầu. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi kinh tế xanh… sẽ kéo theo sự phục hồi về môi trường. Vì vậy, việc hợp tác giữa UNDP và Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực này cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhất có thể.

Chuẩn bị triển khai 2 dự án hợp tác về môi trường, thủy văn với Phần Lan

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã vừa tiếp và làm việc Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Phần Lan.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phần Lan đã được thể hiện rõ ràng nhất qua việc chuẩn bị triển khai 2 dự án: “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng không khí tại các đô thị tại Việt Nam” và “Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Phần Lan

Trong đó, dự án “Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” sẽ thiết lập bổ sung thêm 4 trạm ra-đa thời tiết cố định băng sóng C để phục vụ quan trắc mưa, bão và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Dự án cũng được tích hợp tất cả các số liệu của hệ thống ra-đa thời tiết, thám không vô tuyến và đo gió vào Trung tâm tích hợp số liệu và hỗ trợ dự báo, cảnh báo; nâng cấp hệ thống phần mềm hỗ trợ dự báo SmartMet để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.

Về dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng không khí tại các đô thị tại Việt Nam”, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao trách nhiệm cho Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện. Dự án được kỳ vọng sẽ thực hiện đúng tiến độ, phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và hỗ trợ của Phần Lan.

Trao đổi về 2 dự án trên, phía Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết, các dự án được thiết lập dựa trên cơ sở Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Phần Lan; phía Phần Lan mong muốn triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên cho các tỉnh ven biển phía Nam

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 toàn lãnh thổ Việt Nam - giai đoạn III (2023 - 2025) cho các tỉnh ven biển phía Nam”.

Tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý, Liên đoàn Vật lý Địa chất, đơn vị chủ trì thực hiện dự án cho biết, mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ là điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững nền độc lập chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, dự án cũng góp phần xác định các vị trí có môi trường phóng xạ cao trong diện tích nghiên cứu có nguy cơ gây hại cho con người.

Điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên tại các tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc tiếp tục thành lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho các tỉnh là hết sức cần thiết. Kết quả thu được sẽ là tài liệu điều tra cơ bản về môi trường phóng xạ, giúp cho các nhà quản lý, bảo vệ môi trường có cái nhìn tổng quát về môi trường phóng xạ. Từ đó hoạch định được đường lối chiến lược đúng đắn trong bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định những vùng có mức ô nhiễm thấp, có biện pháp hạn chế và giảm thiểu mức ô nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao.

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đánh giá, việc thực hiện dự án là cần thiết, kết quả dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp lớn về cơ sở dữ liệu, bộ bản đồ về phóng xạ môi trường góp phần vào việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. 

Huyền Dung