Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao tiềm năng và dư địa hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thứ trưởng cho biết, hiện nay, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định về phân loại, thu gom, xử lý rác thải. Bộ TN&MT đang xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác xử lý chất thải rắn.
Trước điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn, đại diện ngành môi trường Việt Nam mong muốn triển khai các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần biện pháp chôn lấp và công nghệ lạc hậu.
Thứ trưởng mong muốn Belarus tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về chuyển giao công nghệ trong xử lý chất thải rắn, mở ra cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam về vấn đề này.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/5/30/cong-nghe-rac-20240530121229234.png)
Công nghệ xử lý chất thải rắn của Belarus
Đại sứ Belarus tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua; khẳng định Belarus trân trọng tình cảm hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Belarus tại khu vực Đông Nam Á.
Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác đó, Đại sứ Belarus đề nghị hai bên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị, nông thôn, chất thải công nghiệp. Belarus có công nghệ riêng, hiện đại trong xử lý chất thải rắn và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Belarus cũng đã liên hệ, trao đổi với Hà Nội, Hiệp hội tái chế Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Đại sứ quán Belarustại Việt Nam có Công hàm số 02-06/156 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn; trong đó giới thiệu công nghệ, thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt của Belarus. Trong đó, phía Belarus giới thiệu Sifania-Ecotechnika - nhà sản xuất đến từ Belarus về thiết bị phân loại và xử lý chất thải rắn đô thị. Hoạt động chính của doanh nghiệp là phát triển thiết kế, sản xuất thiết bị xử lý chuyên sâu chất thải rắn sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp.
Các thiết bị của doanh nghiệp đã vận hành thành công tại nhiều quốc gia, phục vụ nhiều doanh nghiệp khách hàng ở Cộng hòa Belarus, Liên bang Nga, Cộng hòa Kazakhstan, Ukraina, các Cộng hòa Uzbekstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, Litva , Latvia, Armenia, Georgia, Moldova, Cộng hòa Mauritius…