Cuộc sống và pháp luật

Bình Dương: Công an tỉnh kết luận 6 cơ sở y tế vi phạm, khiến 1 người tử vong

Thứ tư, 1/9/2021 | 18:43 GMT+7
NLSVN - Liên quan đến vụ việc 6 cơ sở y tế tại Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu, khiến cho ông D. (57 tuổi) tử vong, Công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận điều tra về vụ việc trên.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, vụ việc 6 cơ sở y tế tại Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu, khiến cho ông D. (57 tuổi, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) tử vong, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện sai phạm tại các cơ sở y tế.

Bệnh viện Đa khoa An Phú vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, tại Phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm 2, Bệnh viện Đa khoa An Phú không thực hiện nghiêm tục việc trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cấp cứu bệnh nhân đã vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân y 4 có tiếp nhận cấp cứu và yêu cầu chuyển viện, nhưng không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu chuyên dụng đã vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, Công an tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương xem xét làm rõ, xử lý dấu hiệu phạm Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Liên quan đến vi phạm tại Bệnh viện Quân y 4, Công an tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra quân sự xử lý.

Còn Trung tâm y tế TP Dĩ An chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo Sở Y tế  tỉnh Bình Dương về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch COVID-19.

Được biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 20h tối 13/8/2021, ông D. bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được. Tình thế cấp bách, gia đình được hàng xóm dùng xe tải để chở ông D. đi cấp cứu.

Tuy nhiên, khi tới cơ sở y tế là Trung tâm Y tế TP Dĩ An, nơi đây không nhận vì đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

Gia đình tiếp tục đưa ông D. tới Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, ông D. và người đi cùng được test nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính.

Sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng cho biết tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị cho ông D. chuyển viện lên tuyến trên.

Tiếp tục, gia đình đã đưa ông D. Bệnh viện Đa khoa An Phú và Phòng khám Đa khoa Nam Anh nhưng không nơi nào nhận bệnh. Sau đó, ông D. đã tử vong vào đêm 14/8/2021.

Sau khi nắm được vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong.

Ngày 16/8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương khẩn trương xác minh làm rõ thông tin các bệnh viện ở Bình Dương không nhận cấp cứu, bệnh nhân về nhà rồi chết.

Hiện vụ việc tiếp tục được Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra làm rõ.

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đoàn Vĩnh