Cảnh báo về mức độ nguy hại của nhựa đối với sức khỏe con người

Thứ hai, 9/11/2020 | 15:12 GMT+7
Mới đây, trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên “Nhân nhựa” nhằm cảnh báo về mức độ nguy hại của nhựa đối với sức khỏe con người.

“Nhân nhựa” là một hợp phần của dự án Xây dựng hệ thống quan sát chất thải nhựa trong xã hội và môi trường (COMPOSE) do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng.

“Nhân nhựa” là chiến dịch truyền thông lấy bối cảnh chủ đạo là thế giới viễn tưởng, khi những nhà khoa học ở hiện tại phát hiện ra một thông điệp cảnh báo của loài sinh vật nửa người nửa nhựa đến từ tương lai mang tên “Nhân nhựa” về tương lai tăm tối, khi con người hấp thụ quá nhiều vi nhựa.

Poster truyền thông chiến dịch "Nhân nhựa"

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Khi đó, con người có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác. Do vậy, chiến dịch “Nhân nhựa” được phát động như một hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hại của nhựa đối với sức khỏe con người.

Mục tiêu của chiến dịch khi tổ chức ở Việt Nam là xây dựng hệ thống quan trắc sự chuyển động về mặt xã hội và môi trường của nhựa tại Việt Nam, từ đó đưa ra những dữ liệu đáng tin cậy và các kiến thức khoa học, cho phép phổ biến những thông tin có thể được kiểm chứng nhằm nâng cao nhận thức và góp phần vào các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa. 

Chiến dịch “Nhân nhựa” gồm 3 giai đoạn, trải dài từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021. Trong đó, giai đoạn I (30/10 - 18/11) là cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác nhựa trên sông Sài Gòn; giai đoạn II (19/11 - 27/12) sẽ cung cấp những kiến thức ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam; giai đoạn III (tháng 2/2021) khuyến khích công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra những giải pháp hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Khánh An