Cháy rừng, sương mù được đưa vào danh sách loại hình thiên tai mới

Thứ sáu, 29/5/2020 | 11:41 GMT+7
Chiều 28/5, trong phiên thảo luận xung quanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các đại biểu đa số đồng tình với 13 nội dung trong dự thảo, trong đó cháy rừng do nguyên nhân tự nhiên và sương mù được đưa vào danh sách các loại hình thiên tai mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những vụ cháy rừng lớn trên thế giới thời gian qua không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người và môi trường sống. Nhất là Việt Nam lại ở vị trí địa lý thường xuyên gặp thiên tai và là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu. Do vậy, cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến những thảm họa thiên tại để có thể đưa ra được biện pháp khắc phục nhanh chóng và hiệu quả.

"Việt Nam luôn có chủ trương, chính sách theo từng giai đoạn rất kịp thời. Việc Quốc hội cho phép sửa đổi một số điều trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trong tình hình mới", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cháy rừng do nguyên nhân tự nhiên được đa số đại biểu đồng tình là loại hình thiên tai

Tuy nhiên, nếu đưa cháy rừng vào luật, Bộ cần xác định rõ nguyên nhân của từng vụ cháy rừng, do thiên tai hay do con người gây ra, hay kết hợp cả hai. Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, vào mùa khô, nắng nóng kéo dài có thể gây cháy rừng, nhất là ở các khu vực có điều kiện tự nhiên đặc biệt như nhiều khí mê tan hay dễ bị sét đánh.

Khi xảy ra các vụ cháy rừng lớn, nếu chỉ sử dụng lực lượng kiểm lâm và phòng cháy chữa cháy sẽ không đủ sức khống chế, nhất là những nơi có địa hình hiểm trở. Khi đó, chính quyền địa phương cần huy động lực lượng lớn để ứng phó với cơ chế nguồn lực, chỉ đạo, chỉ huy của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nên dù là do tự nhiên hay con người gây cháy thì cũng cần xem là một dạng thiên tai đặc thù.

Bên cạnh đó, sương mù cũng là hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản, môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội cần được quy định cụ thể trong luật. Nhưng để đưa sương mù vào loại hình thiên tai mới thì cần quy định cụ thể là sương mù dày đặc đến mức độ nào thì mới được xem là thiên tai để tránh tùy tiện khi vận dụng.

Cũng trong phiên thảo luận, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu tán thành với việc cần thiết thành lập quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương. Đồng thời, các đại biểu tham gia phiên thảo luận đề nghị Bộ quy định rõ nguồn tài chính, nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ trong Luật để tránh trùng lặp, phát sinh thêm trong khi vận hành.
 

Khánh An