Nghị định này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh; quy định việc liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử; cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, khai thác và chia sẻ thông tin doanh nghiệp; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.
Nghị định nêu, thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được nhà nước bảo hộ. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyêt thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Chính phủ vừa ban hành nghị định về đăng ký doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.
Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 1/11/2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được cấp mã số, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định.
Đối với doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp.
Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo nghị định, cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) và ở xã, phường, đặc khu (cấp xã) bao gồm:
Ở cấp tỉnh: cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi địa phương quản lý trừ trường hợp quy định tại điểm b dưới đây. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Ban quản lý khu công nghệ cao cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ đặt trong khu công nghệ cao.
Nghị định nêu, cơ quan đăng ký kinh doanh quy định trên (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) có tài khoản và con dấu riêng.
Ở cấp xã: Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc) thuộc UBND cấp xã (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã). Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã có tài khoản và con dấu riêng để phục vụ công tác đăng ký kinh doanh.