Kinh tế xanh

Chống bán phá giá để vực dậy ngành mía đường Việt Nam

Thứ tư, 2/12/2020 | 16:38 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” nhằm thảo luận, trao đổi và tìm ra những giải pháp để đảm bảo phát triển ngành mía đường một cách bền vững.

Tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2020. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu  là 87,67%.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan. 

Cụ thể, dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.

Giá mía đường nhập khẩu giảm sâu ảnh hưởng trầm trọng đến ngành mía đường trong nước

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Lộc cho hay: “Để “cứu” ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống”.

Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng, nhận định, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Trong số đó, Bộ đã ban hành quyết định áp dụng 07 biện pháp chống bán phá giá, 05 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất trong nước liên quan.

Bên cạnh đó, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành mía đường, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT tháng 9/2020 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Trước đó, tháng 6/2020, Bộ cũng có Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khẳng định.

Khánh An