Văn hóa, du lịch

Chuột trong tranh Đông Hồ: Giá trị tiếp nối từ quá khứ tới hiện tại

Thứ sáu, 24/1/2020 | 08:00 GMT+7
Đứng đầu trong 12 con giáp, Chuột là linh vật tượng trưng cho người Tuổi Tý. Trong văn hoá dân gian, chuột được gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh. Từ thời xa xưa, các nghệ nhân Đông Hồ đã đưa hình tượng con chuột vào bức tranh để phản ánh những hiện tượng xã hội cũng như gửi gắm những mong muốn về cuộc sống.

 “Đám cưới chuột” đã được chọn để thực hiện thành tem bưu chính Việt Nam năm 1972

Theo kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang, trong tranh Đông Hồ có 3 bức về chuột gồm có ““Đám cưới chuột””, “Chuột vinh quy”, “Chuột rước đèn”. Tuy nhiên, bức tranh được nhiều người biết nhất là bức ““Đám cưới chuột”” từ 600 năm trước.

Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nghề nông nghiệp lúa nước. Ở đâu có lúa, ở đó có chuột. Người Việt xưa sống thành cộng đồng làng xã, một phần cốt để đồng lòng diệt chuột cứu lúa. Đêm giao thừa ở miền Tây Nam bộ, tiếng chuột kêu lít chít đâu đó quanh nhà cũng đủ làm người ta mừng rỡ, bởi lẽ họ tin đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, thịnh vượng.

Họa sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết, bức tranh “Đám cưới chuột” thể hiện sự tinh tế trong cách dùng nét để gợi tả của các nghệ nhân xưa. Các nét vẽ diễn tả đặc sắc tính chất của loài chuột. Trên bức tranh có hai chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Bức tranh được chia làm hai phần với 12 con chuột và một con mèo. Tầng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo với bốn con chuột. Tầng dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về sau vẻ mặt vênh lên tự đắc vì cưới vợ đẹp. Theo sau là đoàn chuột rước dâu với lọng, biển, khiêng kiệu.

Bức tranh “Chuột vinh quy” gần tương đồng với bức “Đám cưới chuột” nhưng có chữ tiến sĩ, vinh quy. Bức tranh diễn tả một đám rước đầy đủ kèn trống, cờ quạt, lễ vật. Đám rước tiến hành trong không khí trang nghiêm, nhưng rất vui

“Mèo và chuột là hai thái cực tranh chấp nhưng về bản chất tồn tại đồng hành cùng nhau. Hai con vật đại diện cho con người. Nghệ nhân dân gian đã thổi vào bức tranh hình tượng giai cấp thống trị và bị trị trong xã hội phong kiến thời xưa. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với loại mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ là diệt chuột”, họa sĩ Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Theo phân tích của họa sĩ Nguyễn Trường Giang, trải qua hàng trăm năm nhưng bức tranh “Đám cưới chuột” vẫn còn nguyên giá trị văn hóa dân tộc, ý nghĩa cộng sinh và tính châm biếm hài hước.

Người Việt có nền văn minh lúa nước với “phép vua thua lệ làng”, thói quen nhờ cậy, biếu xén đã tồn tại nhiều năm. Thế nhưng tính dân tộc đã bị biến tấu thành thói quen đút lót, hối lộ.

Với những màu sắc chủ đạo như đỏ, xanh, vàng, bức tranh “Đám cưới chuột” ở một khía cạnh nào đó như đang mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp, nhưng lại không hề mất đi sự linh thiêng. Tranh “Đám cưới chuột” khiến người ta nhớ lại những ngày tháng giản dị, khi đám cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình, mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ.

“Vấn đề cộng sinh trong bất cứ thời kỳ nào cũng có. Hình ảnh chuột mang lễ vật đến dâng tặng cho mèo còn có ý nghĩa cùng tồn tại và chia sẻ hạnh phúc, niềm vui. Trong bức tranh cũng thể hiện một sự thỏa thuận có mục đích giữa hai đối tượng đối lập thậm chí là kẻ thù với nhau. Mèo dù có oai phong lẫm liệt tới đâu nhưng khi nhận được những lễ vật cống nạp phù hợp từ chuột trong ngày vui của chuột cũng trở nên “dĩ hòa vi quý””, họa sĩ Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

“Chuột rước đèn” thể hiện không khí vui nhộn của nhà chuột trong ngày lễ hội

Ngoài ra, theo họa sĩ Nguyễn Trường Giang, bức tranh còn có sự châm biếm khá hài hước “qua sông thì phải lụy đò”, phản ánh câu chuyện thực tế trong xã hội phong kiến tàn ác, lạc hậu. Mèo đại diện cho tầng lớp thống trị vừa nghiêm nghị, khó chịu nhưng vẫn chìa tay nhận quà. Còn chuột nhỏ bé vừa phải đi cống nạp, vừa tỏ ra khép nép, sợ sệt đối với tầng lớp thống trị.

“Hình tượng chuột trong tranh Đông Hồ không chỉ là lời nhắn nhủ của ông cha với cuộc sống trước đây mà nó vẫn còn mang ý nghĩa thời đại và tương lai. Đặc biệt trong những năm gần đây khi cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước không ngừng được đẩy mạnh thì ý nghĩa bức tranh lại càng có tính thời sự", họa sĩ Giang cho hay.

 

An Nhiên