Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng số; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kỹ năng livestream, xây dựng video; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…
Ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất.
Quang cảnh hội thảo khoa học
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cùng đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp về số hóa trong nông nghiệp nhằm chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất 3 hoạt động mà Hội Nông dân cần thực hiện gồm: khai thác dữ liệu từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn; hỗ trợ hội viên, nông dân công cụ truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các hợp tác xã; tập huấn, đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc với hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Đối với người nông dân, cần thực hiện 5 hoạt động là: thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc; công dân số; tham gia các hợp tác xã; tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; tham gia hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu. Thứ trưởng nhấn mạnh, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số của Chính phủ. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo quyết liệt và đầu tư chuyển đổi số nông nghiệp ở cấp tỉnh trước rồi nhân rộng ra cả nước.
Cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp của nông dân rất lớn. Trong đó, cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc hiện nay rất nhiều. Do đó, toàn thể Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và người nông dân cần chung tay phối hợp thực hiện, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam.