Nông nghiệp sạch

Nông nghiệp Lâm Đồng phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại

Thứ năm, 8/6/2023 | 15:14 GMT+7
Lâm Đồng là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đang chú trọng vào nền nông nghiệp xanh, hữu cơ. Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực và được tỉnh đặc biệt chú trọng trong chỉ đạo, điều hành.

Nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế

Tại tỉnh Lâm Đồng, cơ cấu ngành Nông nghiệp hiện trồng trọt chiếm 82%, chăn nuôi chiếm 15,9% và dịch vụ chiếm 2,1%. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng luôn duy trì mức tăng trưởng khá, và đóng vai trò là trụ đỡ nền kinh tế. (Năm 2022, tăng trưởng 5,02%, đạt 19,9 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế). 

Thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,  phát triển vượt bậc cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có hơn 65.308 ha, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đã hình thành, công nhận 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 18 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó canh tác rau, hoa trên giá thể trên 718 ha, công nghệ màng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi được ứng dụng trên 700 ha nhà kính. Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với 46.920 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước phun mưa, tưới nhỏ giọt, thủy canh hồi lưu; hơn 160 ha nhà kính nhập khẩu tích hợp các công nghệ thông minh trên thế giới có giá trị trên 1 triệu USD/ha. Đặc biệt, với 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 636 box cấy), hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 72,3 triệu cây giống cấy mô các loại;… Toàn tỉnh đang phát triển 456 ha diện tích ứng dụng công nghệ thông minh, giảm 10 - 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; 30 - 50% lượng nước tưới và nhân công lao động; tăng lợi nhuận 15 - 20% so với sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Đà Lạt đạt sản lượng hoa 1,5 tỷ cành/năm 

Hiện Lâm Đồng có diện tích trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ 1.336 ha, tăng hơn 12,3 lần so với năm 2020, tổng sản lượng ước đạt hơn 2.081 tấn/năm; 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ, với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa.

Cũng cần ghi nhận là ở Lâm Đồng kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất tiếp tục phát triển cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả của mô hình ngày một nâng cao. Theo ngành chức năng, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4 liên hiệp hợp tác xã và 392 hợp tác xã nông nghiệp với 8.657 thành viên; doanh thu bình quân đạt trên 2,2 tỷ đồng/năm; thu nhập lao động bình quân đạt 72 - 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá tốt, ước đạt 45%.

Chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI (2020-2025) đã xác định rõ: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, hướng đến ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”. Theo đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, năng suất lao động nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5-6%/năm; giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 25% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ít nhất 1.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; 2.500 ha nông nghiệp hữu cơ)…

Lâm Đồng sẽ phát triển 265 chuỗi liên kết với trên 26.700 hộ tham gia, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 50% sản lượng. Thành lập ít nhất 40 hợp tác xã. Có ít nhất 250 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 20 sản phẩm OCOP quốc gia. Phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra có trên 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái nông nghiệp số; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong các đơn vị thuộc ngành.

Giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch của Lâm Đồng 

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và bố trí tổng kinh phí gần 263,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 12,7 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân đối ứng hơn 3,5 tỷ đồng; nhân dân tự thực hiện gần 247 tỷ đồng.

Đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có 3.000 ha canh tác thông minh và 60% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa; có 50% diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; trên 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường; 100% các sản phẩm sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được số hóa toàn bộ quá trình quản lý sản xuất và giám sát chất lượng.  

Khắc phục những nẩy sinh cực đoan, phát huy lợi thế địa kinh tế

Làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu mới đây, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, nhiều nhiệm kỳ qua, Lâm Đồng đã xác định được xu thế tất yếu là  hướng tới nền nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Văn Hiệp cũng nêu thực tế trong quá trình triển khai thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình phát triển cây trồng trong nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng có những tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường. Do đó, UBND tỉnh đã xây dựng đề án để giảm nhà kính, nhà lưới mỗi năm khoảng 10%. 

Nguyên nhân diện tích nhà kính phát triển tự phát với tốc độ nhanh do một thời gian dài thiếu sự kiểm soát. Năm 2004, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 6 năm sau, tỉnh đã phát triển hơn 6.400 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nhà kính là 1.170ha; năm 2015 diện tích này tiếp tục tăng lên hơn 43.000ha và nhà kính đạt gần 3.150ha. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là 60.200ha, và diện tích nhà kính đạt gần 4.350 ha.

Đến năm 2030 Đà Lạt không còn nhà kính 

Thành phố Đà lạt có diện tích nhà kính đứng đầu tỉnh với 2.500 ha; trong đó có 1.700 ha trồng hoa, sản lượng đạt khoảng 1,5 tỷ cành hoa/năm. Theo Quyết định 178 của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2025 vùng nội ô thành phố Đà Lạt giảm tỷ lệ diện tích nhà kính từ 5% đến 20%. Đến năm 2030 cơ bản Đà Lạt không còn nhà kính.

Thách thức sau khi gỡ bỏ nhà kính là phải chuyển đổi giống cây trồng, quy trình, tăng quy mô sản xuất ngoài trời để đảm bảo sinh kế, xây dựng lại thị trường tiêu thụ...Đó còn là vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản, dịch chuyển vụ. Giải pháp bên cạnh điều chỉnh quy hoạch sản xuất cần xây dựng các mô hình canh tác mẫu một số cây trồng ngoài trời có hiệu qua kinh tế tương đương với sản xuất trong nhà kính. Cùng với đó, đẩy mạnh lai tạo, nhập nội, khảo nghiệm giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; có khả năng thích ứng cao trong điều kiện canh tác ngoài trời, đạt hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho người dân. Và, cần có chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình Farmstay, du lịch canh nông, du lịch sinh thái đến di dời, tháo gỡ nhà kính,…

Hiện các cơ quan, đơn vị chức năng ở tỉnh Lâm Đồng đang rà soát, xây dựng các bước di dời, giải tỏa diện tích nhà kính xây dựng trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không sử dụng nhà kính; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ…gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường. Tổng kinh phí thực hiện gần 177 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1,7%, còn lại là vốn của các tổ chức, cá nhân.

Trong buổi làm việc với tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Lâm Đồng là địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao tiên phong của cả nước nên quá trình phát triển trong tương lai cần có tầm nhìn tích hợp, đa giá trị. Đó là tư duy tích hợp trong nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Đưa các dịch vụ về nông thôn, phổ biến đến nông dân để hồi sinh sức sống cộng đồng, kích hoạt đời sống cộng đồng, làng nghề, tạo ra những sản phẩm có giá trị. Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Lâm Đồng được kỳ vọng là trung tâm đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng hoa. Địa phương phải phấn đấu để trở thành nơi bảo trợ cho những ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp. Đặc biệt là tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng theo phương thức nhà nước - thị trường - xã hội một cách hài hòa.

Minh Đạo