Bất động sản

Có nên ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư nhà ở xã hội?

Thứ năm, 3/10/2019 | 23:00 GMT+7
Mặc dù là dự án nhà ở xã hội nhưng Công ty CP Vạn Khởi Thành lại ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư với người có nhu cầu mua căn hộ.

Mập mờ hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư

Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân về việc mua căn hộ tại dự án khu nhà ở xã hội ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh do Công ty CP Vạn Khởi Thành làm chủ đầu tư. Trong quá trình mua căn hộ, người dân được yêu cầu ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư với chủ đầu tư trong khi không rõ mình có thuộc diện được mua nhà ở xã hội hay không.

Theo phản ánh của người dân, việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ căn cứ trên các quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan đến dự án, hoàn toàn không dựa trên các Luật kinh doanh bất động sản do nhà nước quy định. Giá trị góp vốn tạm tính là 626.944.000 đồng và chia thành 7 đợt. Sau khi hoàn thành việc góp vốn theo tiến độ, người dân sẽ giành được quyền mua 1 căn hộ đã được xây dựng theo thiết kế được duyệt tại dự án sau khi được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chấp thuận hồ sơ đăng ký mua nhà do chủ đầu tư nộp.

Hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư của Công ty CP Vạn Khởi Thành

Hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư cũng quy định, chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thời điểm ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư, dự án đã xây đến tầng thứ 7. Người đại diện chủ đầu tư nhận góp vốn là ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vạn Khởi Thành.

Trả lời báo chí, đại diện Công ty CP Vạn Khởi Thành thừa nhận có ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư với người dân nhưng khẳng định làm theo đúng pháp luật và việc góp vốn để xây dựng dự án.

Khi được hỏi tại sao lại ký hợp đồng góp vốn mà không ký hợp đồng mua căn hộ trong khi dự án đã đủ điều kiện bán nhà, người này trả lời loanh quanh, không đi đúng trọng tâm câu hỏi rồi cho biết, đang trình Sở Xây dựng Bắc Ninh để có giá bán sau đó sẽ ký hợp đồng với người mua.

Khi PV hỏi về điều khoản “chủ đầu tư được sử dụng vốn góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, ông này đổ lỗi cho việc soạn thảo văn bản chưa chính xác và sẽ sửa lại.

Ký hợp đồng hợp tác đầu tư nhà ở xã hội là hành vi vi phạm pháp luật

Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh thuộc quỹ đất 20% của dự án khu dân cư dịch vụ và quỹ đất đấu giá tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phường Đình Bảng được UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận đầu tư theo văn bản số 2905/UBND-XDCB ngày 28/11/2014 với  quy mô 10.887 m2, với hai khối nhà chung cư CT1, CT2, khu nhà liền kề (nhà thương mại) thấp tầng và khu nhà liền kề xã hội thấp tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 29.343m2.

 Phối cảnh tổng thể dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

“Việc ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư của Công ty CP Vạn Khởi Thành là hành vi vi phạm pháp luật, không được pháp luật cho phép”, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định.

Theo luật sư Trương Anh Tú, nhà ở xã hội là một loại hình ưu tiên đặc biệt của Nhà nước với một số đối tượng, người nghèo, người khó khăn về nhà ở, đối tượng chính sách bởi nếu không được Nhà nước hỗ trợ thì họ khó lòng mua được nhà ở. Các căn hộ này chỉ được mua, bán, chuyển nhượng cho những người đủ điều kiện.

“Trong trường hợp này, ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư là không phù hợp với các quy định hiện hành về đất đai, nhà ở và bất động sản. Đây là những thủ đoạn chủ đầu tư lách luật hay nói cách khác là chủ đầu tư vi phạm pháp luật vì Luật kinh doanh bất động sản không cho phép”, luật sư Trương Anh Tú nói.

Khi ký hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư, người mua nhà có thể gặp rủi ro trong trường hợp dự án không hoàn thành, chủ đầu tư thua lỗ, lúc hoàn thiện nhà thì người ký hợp đồng lại không đủ điều kiện để mua nhà.

Khi ở vào hoàn cảnh đã góp vốn mà không đủ điều kiện, người mua nhà sẽ ở vào cảnh bỏ tiền ra mà không mua được nhà, khi đi đòi tiền đã góp thì rất dễ vướng vào cảnh trầy trật không đòi được tiền. Đó là chưa kể việc đồng tiền bị mất giá trị chênh lệch thị trường.

“Hiện nay rất nhiều chủ đầu tư bán nhà, bán căn hộ cho người dân nhưng lại lách luật bằng cách ký hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, đặt chỗ… Vì vậy, nếu mua nhà ở xã hội, người mua cần tìm hiểu để xem gia đình nhà mình có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hay không. Khi mua nhà nói chung thì yêu cầu phải hoàn thiện đến một mức độ nào đó và được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước về xây dựng ở địa phương cho phép thì mới được nhận tiền của người mua. Ngoài ra có thể tham khảo thông tin của chính quyền địa phương rồi tìm đến chủ đầu tư uy tín, hoặc nếu không đủ hiểu biết về pháp luật thì hãy tham khảo ý kiến các luật sư để tránh rủi do sau này”, luật sư Trương Anh Tú khuyến cáo.

Năng lượng Sạch Việt Nam sẽ tìm hiểu và tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Mạnh Tùng