Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net Zero tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Nguồn năng lượng này sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Tuy nhiên, các thiên tai có nguồn gốc từ biển cũng hoạt động hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tính ổn định của việc vận hành và khai thác nguồn năng năng lượng tái tạo này. Chính vì vậy, việc đánh giá khách quan tiềm năng năng lượng gió biển, có xét đến tác động, rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên cần thiết và có ý nghĩa.
Sau gần 2 năm thực hiện, báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thực hiện, với sự hỗ trợ của UNDP và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam là cơ sở khoa học quan trọng góp phần hiện thực hóa chiến lược đó.

Ảnh minh họa
Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, báo cáo cung cấp bộ Atlat gió ngoài khơi chi tiết nhất từ trước đến nay với dữ liệu mô phỏng với chuỗi thời gian dài tới 30 năm và có độ phân giải cao. Đây là công cụ thiết thực để hỗ trợ quy hoạch không gian biển, phát triển ngành điện gió và thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể ven biển và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện, cập nhật và có độ phân giải cao về tiềm năng tài nguyên gió biển của Việt Nam – một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực.
Báo cáo đã đưa ra một bộ dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ về khí hậu gió biển Việt Nam trong 30 năm (1991 – 2020), phục vụ việc xác định tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi tại các vùng biển ven bờ (tới 6 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ quy hoạch, đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo.
Báo cáo gồm các nội dung chính: tổng quan về chính sách và xu thế phát triển điện gió ngoài khơi; mô tả chi tiết về dữ liệu và mô hình được sử dụng (bao gồm WRF, dữ liệu quan trắc, vệ tinh và tái phân tích); kết quả phân tích mật độ năng lượng gió và tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi; bộ Atlas năng lượng gió biển Việt Nam, bao gồm bản đồ phân bố tốc độ gió, mật độ năng lượng và công suất kỹ thuật.
Báo cáo cũng phân tích chi tiết biến động theo tháng và mùa trong năm nhằm xác định giai đoạn khai thác tối ưu; đánh giá ảnh hưởng của thiên tai khí tượng - hải văn tới phát triển điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan.