Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió.
Theo dự thảo Nghị định, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió được xác định gồm: hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm hoặc cáp điện trên không từ cột tháp gió đến trạm biến áp, hành lang bảo vệ an toàn trạm biến áp và hành lang bảo vệ đường dây truyền tải, phân phối của công trình điện gió đến điểm đấu nối.
Đối với công trình điện gió trên đất liền hoặc gần bờ, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là nửa hình cầu có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng khoảng cách tối đa từ tâm của chân cột tháp đến mép ngoài cùng cánh quạt tuabin.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/22/gio-20241223101343079.jpg)
Ảnh minh họa
Đối với công trình điện gió ngoài khơi, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là vùng xung quanh cột tháp gió có phạm vi 500 mét tính từ điểm nhô ra xa nhất của cột tháp gió nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.
Không thiết lập vành đai an toàn xung quanh công trình điện gió trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Chủ đầu tư công trình điện gió trên biển phải có trách nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển, thiết lập các đăng tiêu và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải để cảnh báo cho các tàu thuyền hoạt động gần khu vực biết.
Tiến Đạt