Năng lượng gió

Công suất điện gió ngoài khơi năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm trước

Thứ ba, 5/4/2022 | 10:28 GMT+7
Theo báo cáo Điện gió toàn cầu năm 2022 từ Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC), thị trường điện gió ngoài khơi đã có một năm thành công nhất từ trước đến nay vào năm 2021 với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp 3 lần so với năm trước.

Ngành điện gió đã có năm thành công thứ hai tính từ trước đến nay trong năm 2021 với việc bổ sung gần 94 GW công suất trên toàn cầu, bất chấp đại dịch COVID-19 đã diễn ra 2 năm nay. Con số này chỉ thấp hơn 1,8% so với tốc độ tăng trưởng điện gió hàng năm trong năm 2020. 

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và quỹ đạo đi lên của ngành điện gió toàn cầu. Tuy nhiên, như báo cáo Điện gió toàn cầu năm 2022 từ Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) đã chỉ rõ, mức tăng trưởng này cần phải tăng gấp 4 lần vào cuối thập kỷ này nếu thế giới muốn đi đúng với lộ trình giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5 độ C và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Công suất toàn cầu tăng thêm 93,6 GW, nâng tổng công suất điện gió tích lũy toàn cầu lên 837 GW, tăng 12% so với năm trước. Trong khi hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ lắp đặt ít công suất điện gió trên bờ mới hơn vào năm ngoái - lần lượt là 30,7 GW và 12,7 GW thì các khu vực khác đã có năm đạt kỷ lục. Châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông đã tăng công suất lắp đặt điện gió trên bờ mới lần lượt là 19%, 27% và 120%.

Thị trường điện gió ngoài khơi đã có một năm thành công nhất từ trước đến nay vào năm 2021 với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi khổng lồ của Trung Quốc trong năm này đã chiếm 80% mức tăng trưởng đó, giúp nước này vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt tích lũy.

Thị trường điện gió ngoài khơi đã có một năm thành công nhất từ trước đến nay vào năm 2021

Tác động của đại dịch COVID-19 đã rất rõ ràng, ví dụ như sự chững lại trong việc đưa các dự án mới ở các thị trường như Mỹ, Ấn Độ và Đài Loan vào hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động đấu giá vào năm 2021 đã chứng minh rằng việc tăng cường triển khai điện gió là chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia. Công suất được đấu giá đã tăng 153% so với năm 2020, với 88 GW trên toàn cầu. Điện gió trên bờ chiếm 69 GW (78%) trong số đó và công suất điện gió ngoài khơi là 19 GW.

Điện gió đang có một quỹ đạo tăng trưởng tích cực nhưng điện gió chưa hoàn toàn phát triển ở mức độ đủ nhanh hoặc rộng để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu một cách an toàn, bền vững. Với tốc độ lắp đặt hiện tại, Cơ quan Phân tích Thị trường của GWEC dự báo rằng, vào năm 2030, chúng ta sẽ thiếu hơn hai phần ba công suất điện gió cần thiết cho lộ trình vì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở mức 1,5 độ C và phát thải ròng bằng 0, điều này khiến chúng ta bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu.

Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC cho biết: “Ngành điện gió tiếp tục phát triển và thành công nhưng việc mở rộng tốc độ tăng trưởng đến mức cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như đảm bảo an ninh năng lượng sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, chủ động hơn đối với việc hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Giải quyết dứt điểm các vấn đề như cấp phép và lập kế hoạch sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm bằng cách điều hướng dòng tiền đầu tư, đồng thời cho phép đạt được các tiến bộ nhanh chóng đối với các mục tiêu khí hậu của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động “như bình thường”, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất này”.

“Các sự kiện của năm ngoái, khi các nền kinh tế và người tiêu dùng phải đối mặt với sự biến động nghiêm trọng của nhiên liệu hóa thạch cũng như giá cả tăng cao trên khắp thế giới là một biểu hiện của một quá trình chuyển dịch năng lượng do dự và không nhất quán, trong khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã cho thấy những hệ lụy của việc phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo an ninh năng lượng.

12 tháng qua sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh rất lớn, rằng chúng ta cần phải dứt khoát tiến về phía trước và chuyển sang các hệ thống năng lượng tái tạo của thế kỷ XXI”, ông Backwell nói thêm.

Cẩm Hạnh