Theo công văn, tình hình thời tiết trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, bão, lũ diễn ra ngày càng tăng và nguy hiểm. Để chủ động triển khai từ sớm công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2024 và thời gian tiếp theo, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá, điều chỉnh phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2024; bảo đảm việc huy động các lực lượng, chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương tiện, trang thiết bị để ứng trực, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”.

Thành phố Đà Nẵng chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai với các hình thức phù hợp đến người dân, cơ quan, doanh nghiệp, để chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ nhà cửa, tài sản, tính mạng. Tiếp tục rà soát, lập danh sách các hộ dân trong diện phải sơ tán ứng với từng kịch bản thiên tai, nhất là tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, khu vực nhà ở không bảo đảm an toàn; xác định các địa điểm di dời người dân khi có thiên tai, bão lũ và xây dựng phương án bảo đảm hậu cần, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại địa điểm phục vụ di dời và khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, bị cô lập.
Tiến hành kiểm tra, khắc phục ngay những yếu tố mất an toàn của công trình đê kè, hồ đập, cầu cống, các công trình cao tầng, khu tập thể, chung cư xuống cấp, khu vực phục vụ tránh trú bão và công trình xung yếu khác... Huy động lực lượng từ thành phố đến phường, xã triển khai việc chằng chống hệ thống cây xanh, nạo vét hệ thống thoát nước, dọn vệ sinh môi trường.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến phường, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai với tinh thần thường xuyên đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Lực lượng công an, quân sự, biên phòng là lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ di dời người dân, bố trí lực lượng ứng trực để xử lý các tình huống xảy ra theo phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống cháy nổ trên địa bàn. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trực tiếp chỉ huy, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố; chủ động đề xuất tham mưu huy động lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ gia cố, chằng chống cây xanh, chặt tỉa cành nhánh các cây cao nhằm hạn chế ngã đổ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, xử lý tại hố thu nước.