Quy hoạch, xây dựng

Đà Nẵng thông qua chiến lược kinh tế đến năm 2030

Thứ ba, 26/5/2020 | 10:03 GMT+7
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được HĐND TP thông qua.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, tầm nhìn đồ án hướng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Mục tiêu Đồ án xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Đồ án định vị chiến lược kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới TP thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung; trung tâm dịch vụ, hành chính và văn hóa của miền Trung; trung tâm dịch vụ du lịch biển ASEAN và trung tâm kinh tế biển; ngôi nhà mơ ước của tất cả công dân Việt Nam.

Thành phố Đà Nẵng

Về tính chất đô thị, Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia…

Trên cơ sở định vị, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, dự báo kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 cần đạt được tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) 10-10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm). Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng 30 - 32%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI)/tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 80%...

Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của TP đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Khu vực công nghiệp - xây dựng chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và khu vực dịch vụ.

Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 32.227 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 15.183 ha.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung,  Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được đánh giá cao về chất lượng nội dung; cách làm khoa học, kỹ lưỡng, vừa tôn trọng các yếu tố thực tế, vừa có nhiều đề xuất mang tính đột phá và có thể nói mang đến nhiều kỳ vọng của người dân về sự bứt phá đi lên của thành phố trong tương lai . Một Đồ án quy hoạch tốt thì không  thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp hoặc tùy tiện trong điều chỉnh, lợi dụng phục vụ lợi ích nhóm…  

Đồ án sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua để làm căn cứ cho việc ban hành các chính sách thực hiện và quản lý.     

Hải Đăng