Kinh tế xanh

Đặt môi trường làm trọng tâm trong khôi phục, phát triển kinh tế

Thứ hai, 8/6/2020 | 13:35 GMT+7
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và Hội nghị biến đổi khí hậu COP26, các khu vực, thành phố, doanh nghiệp đồng loạt tham gia chiến dịch Race to Zero (Cuộc đua về 0) hướng tới xây dựng một cuộc phục hồi kinh tế toàn diện, không carbon.

Với sự lãnh đạo của các đại diện cấp cao trong Hành động Khí hậu của Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, chiến dịch đã tập hợp được một liên minh lớn các sáng kiến phát thải bằng không, bao gồm 996 doanh nghiệp, 458 thành phố, 24 khu vực, 505 trường đại học và 36 nhà đầu tư lớn nhất.

Được biết, khối liên minh này sẽ cùng 120 quốc gia trong Liên minh Tham vọng khí hậu cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon về 0 muộn nhất đến năm 2050. 

Trong lễ ra mắt trực tuyến chiến dịch Race to Zero, Chủ tịch COP25 và COP26 đã kêu gọi các bên hướng tới cuộc phục hồi kinh tế lành mạnh, bền vững và toàn diện. Trong đó, ông Mark Carney, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Hành động Khí hậu và Tài chính, thảo luận về hoạt động cụ thể trong chương trình nghị sự của khối tài chính tư nhân, để giúp các nhà đầu tư xác định một số cơ hội chuyển dịch sang phát thải bằng 0, đồng thời báo cáo hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát thải bằng 0 trong danh mục đầu tư.

Các công ty niêm yết tham gia đặt mục tiêu phát thải bằng 0 có doanh thu hàng năm tổng cộng là 4,72 nghìn tỷ USD. Nhóm Cam kết khí hậu (Climate Pledge) do Amazon và Global Optimism đồng sáng lập, cam kết huy động giới lãnh đạo của các doanh nghiệp hành động đạt mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2040.

Các doanh nghiệp, tổ chức với hơn 2,6 tỷ người tham gia chiến dịch hiện chiếm hơn một nửa GDP thế giới, gần một phần tư lượng khí thải CO2. Theo dữ liệu được công bố trong lễ ra mắt chiến dịch, số lượng các tổ chức tham gia cam kết đã tăng 40% kể từ COP25 và vẫn tiếp tục tăng.

Race to Zero hướng đến phục hồi kinh tế lành mạnh, bền vững và toàn diện

Chiến dịch cũng đang bắt tay vào xác định những biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới phát thải bằng 0 ở các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông, công nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và tài chính - nỗ lực này nhằm huy động hàng loạt các công ty và thành phố cam kết không phát thải carbon muộn nhất vào năm 2050 và nhanh chóng tiến đến điểm bùng phát kinh tế quan trọng.

Những biện pháp mới này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và tổ chức phi chính phủ cùng phối hợp hành động. Sức ảnh hưởng của các gói khuyến khích có giá khoảng 10 - 20 nghìn tỷ bảng này, sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.

Hơn hai phần ba dân số trên toàn thế giới ủng hộ ưu tiên biến đổi khí hậu trong phục hồi kinh tế. Hơn nữa, những giải pháp kích thích đảm bảo mức thải carbon thấp còn có thể thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và tạo việc làm hiệu quả.

Alok Sharma, Bộ trưởng Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Vương quốc Anh, Chủ tịch COP26 cho biết: “Sáng kiến Race to Zero sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức khác và chính quyền khu vực thực hiện tham vọng của họ và hành động chống lại biến đổi khí hậu”.

Ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Mới đây, Ban giám đốc Ngân hàng thế giới đã phê duyệt khoản vay IDA với tổng mức cam kết 84,4 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách chính sách đa ngành nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông và năng lượng xanh.

Khoản vay này hỗ trợ các chính sách tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, thực hành tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh giảm phát thải từ các phương tiện giao thông và phát triển năng lượng tái tạo.

Các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý rừng sẽ góp phần giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới liên quan đến động vật, trong khi tăng cường đầu tư cho quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng khí hậu sẽ bổ trợ cho gói kích cầu kinh tế hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng.

Thanh Tâm