Kinh tế xanh

Đầu tư phát triển toàn diện ngành sản xuất muối thủ công

Thứ năm, 3/9/2020 | 11:00 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với thị trường. Ước tính đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối là 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước. Đặc biệt, phát triển sản xuất các loại muối đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.

Đối với sản xuất muối thủ công, Đề án tập trung hướng đến đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Phát triển ngành muối thủ công

Về đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, Quyết định nêu rõ: đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đối với sản xuất muối theo quy mô công nghệ phơi nước tập trung, các tổ chức, cá nhân nên nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, đối với sản xuất muối theo công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán (sản xuất muối thủ công), cần nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất muối kết tinh trên nền vật liệu mới; xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối, như: đồng muối Thụy Hải (Thái Bình); đồng muối Bạch Long (Nam Định); đồng muối Hộ Độ, Kỳ Hà - Kỳ Anh (Hà Tĩnh); đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa); đồng muối Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).

Kết hợp sản xuất muối với hoạt động du lịch tại cánh đồng muối Bạch Long (Nam Định)

Chính phủ cũng khuyến khích nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xuất khẩu muối có hàm lượng NaCl thấp, chứa nhiều khoáng chất; xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng muối xuất khẩu tại các tỉnh trên.

Bên cạnh việc hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất muối, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối.

Đề án phát triển ngành muối được kỳ vọng nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối; cũng như đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Thanh Bảo